Mì tôm là một loại thức ăn nhanh rất được nhiều người ưa chuộng. Xét về mặt dinh dưỡng, mì tôm chứa rất ít chất cần thiết cho cơ thể, nhưng nó lại vô cùng tiện lợi, nhất là trong lúc chúng ta bận rộn không có thời gian ăn một bữa đàng hoàng.
Và thường thì, ăn mì nóng mà có kèm thêm một cốc nước ngọt nữa thì không có gì tuyệt bằng. Tuy nhiên, mới đây một người đàn ông họ Vương (25 tuổi), sinh sống ở Trung Quốc đã bị đau bụng đến mức ngã lăn ra đất và phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi ăn một bát mì tôm và uống ly nước ngọt có ga.
Được biết, đêm hôm đó anh Vương ở lại công ty tăng ca. Để giải quyết bữa tối nhanh gọn, anh đã ăn mì tôm và uống một chai nước ngọt có ga. Một giờ sau, anh Vương bắt đầu cảm thấy đau bụng. Các cơn đau ngày càng nặng đến mức anh đã bị ngã lăn xuống đất. Thấy vậy, đồng nghiệp vội gọi xe cấp cứu và đưa anh vào bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện trong bụng của bệnh nhân có một lượng lớn khí, nên họ đã đưa ống thông dạ dày và rút khí ra kèm theo cả sợi mì và nước coca. Một lúc sau, tình trạng của anh Vương đã ổn định, song anh vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi thêm.
Giải thích với anh Vương, bác sĩ cho biết việc ăn uống kết hợp giữa mì tôm và nước ngọt có ga là khá nguy hiểm. Vì trong nước ngọt có ga chứa axit cacbonic, còn trong mì tôm thì có thành phần kiềm. Nếu hai thứ này gặp nhau sẽ khiến chúng ta bị đầy bụng, đau bụng và gây nguy hại đến cơ thể.
Thế nhưng, đây lại không phải là trường hợp đầu tiên bị chướng bụng khi ăn mì kèm với uống nước ngọt có gas. Vài năm trước, một người đàn ông ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã suýt bị "nổ bụng" khi ăn liền một lúc 2 gói mì tôm và uống hết hai chai coca. Kết quả, bụng anh ta chướng to lên gây đau đớn và phải đến bệnh viện cấp cứu để rút hết khí trong bụng ra.
Tại sao ăn mì với uống nước ngọt có gas cùng một lúc lại gây đau bụng?
Một giáo sư sinh học và khoa học thực phẩm công tác tại trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Trung Khánh (Trung Quốc) giải thích khi một người uống coca sau khi ăn mì tôm, khí gas sẽ thoát ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên thông qua quá trình ợ hơi. Tuy nhiên, nếu vừa ăn mì vừa uống coca đã thế còn uống nhiều, uống liên tục thì sẽ khiến cho lượng khí cacbonic tích tụ lại trong dạ dày, từ đó gây chướng bụng và đau bụng.
Do đó, bạn chỉ nên uống coca sau khi đã ăn mì, và nên dành thời gian để lượng khí có thể thoát ra khỏi cơ thể thông qua dạng ợ hơi. Đồng thời, nên xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, điều độ để tránh gây tổn hại đến sức khỏe.
Theo H.H (Pháp Luật & Bạn Đọc)