Người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ gục ngã, liệt nửa người khi đang đi đường: Cảnh báo nhóm đối tượng chớ ra ngoài khi trời nắng nóng

30/05/2023 15:22:54

Người đàn ông 55 tuổi, đang đi đường thì đột ngột chóng mặt ngã, liệt người phải, không nói được, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não.

Theo Zing thông tin, bệnh nhân là ông V.V.C. (55 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người phải, không nói được, méo miệng, huyết áp 180/100 mmgh. Ông có tiền sử bị viêm tụy cấp do thường xuyên sử dụng rượu bia.

Trước đó, trên đường trở về nhà, ông C. bất ngờ yếu liệt ngã ra đường, không nói được kèm liệt nửa người bên phải. May mắn, người đàn ông được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Tại đây, bệnh nhân được khám, chụp cắt lớp sọ não cấp cứu và chẩn đoán nhồi máu não cấp bán cầu trái giờ thứ I.

Sau khi được đánh giá toàn diện, bệnh nhân được các bác sĩ khoa Cấp cứu chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch và kiểm soát huyết áp, đường máu.

Một giờ sau nhập viện, tình trạng của bệnh nhân cải thiện, chân tay đã cử động được. Một ngày sau, ông C. có thể vận động, đi lại, nói chuyện bình thường.

Người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ gục ngã, liệt nửa người khi đang đi đường: Cảnh báo nhóm đối tượng chớ ra ngoài khi trời nắng nóng
Bệnh nhân hồi phục bình thường sau 24 giờ được cấp cứu do đợt quỵ cấp. Ảnh: BVCC.

Trao đổi với VnExpress, bác sĩ cho biết đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu và xuất huyết. Trong đó, nhồi máu não chiếm tỷ lệ 85%. Xuất huyết não 15% nhưng biến chứng nặng hơn, số tử vong cao.

Bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não nếu không được can thiệp kịp thời sẽ hôn mê, ngừng thở nhanh chóng. Phương pháp tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông (gây tắc mạch máu não), không cần phẫu thuật hay can thiệp. Tuy nhiên, thuốc tiêu sợi huyết chỉ có tác dụng với người bệnh trong 4,5 giờ đầu khởi phát triệu chứng.

"Như bệnh nhân trên, thời gian từ khi vào viện cấp cứu đến lúc được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu là 45 phút, nên không để lại di chứng", bác sĩ nói.

Để nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não, cần nhớ từ FAST (nhanh):

- Face (mặt): yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên không cử động.

- Arm (tay): cánh tay một bên yếu hơn bên kia khi bệnh nhân giơ hai tay lên.

- Speech (lời nói): nói đớ líu lưỡi, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.

- Time (thời gian): nếu nghi ngờ có một trong các triệu chứng trên, nên gọi cấp cứu 115 ngay và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Người đàn ông ở Hà Nội bất ngờ gục ngã, liệt nửa người khi đang đi đường: Cảnh báo nhóm đối tượng chớ ra ngoài khi trời nắng nóng - 1
Đột quỵ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ảnh: Freepik

Bác sĩ khuyến cáo khi nhận thấy người thân có biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp (đau tức ngực, khó thở) hoặc đột quỵ não (méo miệng, đi lại khó khăn, yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ, tri giác), cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh và tim mạch gần nhất để được can thiệp, cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, hiện thời tiết đang nắng nóng nên mọi người, nhất là người già, có bệnh nên hạn chế ra ngoài giờ cao điểm. Nhóm nguy cơ đột quỵ mùa nắng nóng là người già trên 60 tuổi dễ bị sốc nhiệt, hoặc những người già nhiều bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... Đột quỵ do nhiệt cũng là dạng cấp cứu thường gặp, gây tổn thương não, cơ bắp và các cơ quan nội tạng.

Người già sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ở vùng nông thôn. Bởi những ngày hè nắng nóng, người già ở các thành phố còn phải chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường tăng cao. Vào ban đêm, sức nóng từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn, thông tin trên Phụ nữ & Pháp luật.

PN (SHTT)

Nổi bật