Ông Chen (62 tuổi, người Trung Quốc) có tiền sử bệnh tim mạch và cao huyết áp hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông đã được kiểm soát tương đối tốt và ông tập thể dục đều đặn. Tại sao chứng nhồi máu cơ tim lại đột ngột tái phát? Bác sĩ cho biết nguyên nhân có thể liên quan đến thời gian tập thể dục.
Tại sao tập thể dục buổi sáng sớm lại tồn tại rủi ro?
Theo các nghiên cứu, từ 6h đến 12h là giờ cao điểm của những cơn đau tim với 29% trường hợp tử vong. Nhồi máu cơ tim cấp tính, rối loạn nhịp tim, xuất huyết não và các trường hợp khẩn cấp khác cũng xảy ra trong giai đoạn này.
Trong quá trình tập thể dục, sự thay đổi nhiệt độ trong không khí, nhịp thở tăng nhanh cùng các yếu tố khác sẽ khiến mạch máu luôn phải co giãn, lưu thông máu kém, nhịp tim, huyết áp, lượng tiêu thụ oxy của cơ tim đều tăng lên.
Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, nếu tập thể dục vào buổi sáng sẽ dễ gặp phải các hiện tượng như nhồi máu cơ tim và rối loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, việc tập thể dục vào buổi sáng ở ngoài trời vào mùa đông không có lợi cho cả những người khỏe mạnh. Nhiệt độ quá thấp sẽ kích thích sự hưng phấn thần kinh giao cảm, tăng cường co bóp mạch máu, gây biến động huyết áp, những triệu chứng bệnh tim mạch sẽ đột ngột xuất hiện.
Thêm vào đó, sương mù và mặt đất trơn trượt trong mùa đông không phải là điều kiện an toàn để tập thể dục.
Vậy nên tập thể dục như thế nào?
1. Thay đổi thời gian từ buổi sáng qua buổi tối
Khoảng 18-20h là thời gian tốt nhất để tập thể dục. Lúc này, nhiệt độ phù hợp, cơ thể đã có các vận động trước đó nên thích nghi tốt với bài tập.
2. Tránh tập thể dục lúc đói
Nếu bạn tập lúc đói, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều hormone phân giải protein để tạo nhiệt do cơ thể không đủ nhiệt. Trong quá trình phân giải protein, các axit béo tự do trong máu sẽ tăng lên, gây rối loạn nhịp tim và thậm chí là đột tử.
Bởi vậy, trước khi tập khoảng 45 phút, bạn nên ăn nhẹ, uống sữa để có sức vận động.
3. Tập thể dục sau khi uống thuốc
Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có thể dùng thuốc trước khi tập thể dục để kiểm soát huyết áp và nhịp tim, sau đó mới nên tập thể dục.
4. Không nên tập thể dục nơi vắng vẻ
Nếu có sức khỏe không tốt, bạn nên tập thể dục ở những nơi đông người. Trong trường hợp khẩn cấp, những người qua đường xung quanh có thể kịp thời hỗ trợ.
5. Theo dõi sự thay đổi của nhịp tim trong khi tập thể dục
Theo dõi sự thay đổi nhịp tim trong khi tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cường độ tập luyện. Ví dụ, trong khi chạy, nếu tim đập quá nhanh, bạn hãy chạy chậm lại. Nếu nhịp tim tiếp tục tăng, bạn nên ngừng tất cả những bài tập và nghỉ ngơi ngay lập tức.
Theo Hương Trần (VietNamNet)