Theo VietNamNet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), cho biết bệnh nhân vào viện khi đã ngừng tim, ngừng thở.
Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tiếp. Tại đây, hình ảnh cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có xuất huyết não. Bệnh nhân tử vong sau đó.
Lãnh đạo Bệnh viện Thạch Thất sáng 7/10 cho biết gần đây lượng bệnh nhân cấp cứu vì ong đốt gia tăng. Gần đây nhất, chỉ trong ngày 6/10, Đơn nguyên Cấp cứu tiếp nhận 5 ca là học sinh, sinh viên đại học, bị sốc phản vệ do ong đốt, nguyên nhân do đốt phá vỡ tổ ong (không rõ loại).
Khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi đốt phá tổ ong, nhóm nam sinh có biểu hiện khó thở, tức ngực, đau buốt đầu nhiều vùng bị ong đốt, kèm theo chóng mặt, nôn nên vào viện.
Sau 30 phút cấp cứu, có bệnh nhân phải dùng giảm đau liều cao, các bệnh nhân dần ổn định.
Theo các bác sĩ chia sẻ trên VTV.vn, khi bị ong đốt nhiều người chủ quan, cho rằng không ảnh hưởng hay nguy hiểm đến sức khỏe, người bị đốt chỉ hay thắc mắc bị ong đốt bôi gì cho nhanh khỏi, hết sưng. Tuy nhiên, nếu như bị đốt nhiều hoặc đốt ở vị trí đầu, mặt, cổ… hoặc nếu cơ địa bị dị ứng, đề kháng kém có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Người bị ong đốt, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Vết thương tại chỗ sưng đỏ, đau, có cảm giác ngứa.
- Triệu chứng nặng hơn nếu bị đốt ở đầu, mặt, cổ… xuất hiện triệu chứng toàn thân như phù mặt, nổi ban đỏ toàn thân, ngứa nhiều, khó thở, thở rít, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê, tình trạng sốc phản vệ.
- Một số triệu chứng khác như tiểu màu đỏ hoặc nâu, tình trạng tổn thương thận cấp.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị ong đốt, cần bình tĩnh, rời ngay khỏi khu vực có ong. Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn vết thương.
Chườm đá lên vết thương để giảm sưng và đau. Rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng. Dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hàng ngày.
Để phòng tránh bị ong đốt, tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Không dùng que, gậy chọc phá tổ ong, đặc biệt cần dặn trẻ em điều này.
Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà vì ong thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên những cành cây, bụi cây hoặc quanh nhà. Những người nuôi ong lấy mật cần mặc quần áo phòng hộ, không được để lộ da bên ngoài.
Khi có ong xuất hiện cần đứng yên, không chạy. Nếu muốn phá hoặc xua đuổi đàn ong, thay vì dùng que gậy, chọc trực tiếp vào tổ ong mà dùng khói hoặc lửa...
Khi bị ong đốt, ngoài việc xử trí vết thương, người bị ong đốt cần được theo dõi và phát hiện các biến chứng cấp tính khác vì gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn bị ong đốt những nơi như: đầu, mặt, cổ, xác định được loài ong đốt: ong rừng, ong bắp cày... đây là những loại ong có nọc độc mạnh, có khả năng gây ra nhiều biến chứng toàn thân.
Người bị đốt có biểu hiện khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu… cần đưa đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
PN (Nguoiduatin.vn)