Mạch máu là kênh lưu thông chính để vận chuyển máu, oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan khác nhau của cơ thể. Đó là lý do vì sao giới y học thường nói "mạng sống và mạch máu là một mối quan hệ cộng sinh", nghĩa là mạch máu khỏe thì tính mạng mới được đảm bảo. Nếu trong mạch máu dính nhiều "tạp chất", chúng dễ dàng tạo thành huyết khối, gây ra các biến chứng về tim mạch như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim...
Để đoán biết tình trạng sức khỏe của mạch máu, quan niệm của y học cổ truyền Trung Quốc tin rằng ngón tay có thể là một kênh sức khỏe vô cùng tin cậy. Mỗi ngón tay của chúng ta đều là nơi tập trung dày đặc các dây thần kinh, đồng thời chính là nơi tiếp nhận nhiều phản hồi xúc giác nhất. Nếu một người có mạch máu khỏe mạnh, thông suốt thì sẽ có 3 dấu hiệu dưới đây.
Người có mạch máu khỏe mạnh, ngón tay sẽ có 3 đặc điểm
1. Móng tay luôn hồng hào
Sức khỏe của móng tay liên quan mật thiết đến tình trạng dinh dưỡng, lượng vitamin lẫn tình trạng giải độc của cơ thể. Móng tay hồng hào bóng bẩy cho thấy khí huyết dồi dào, mạch máu khỏe mạnh, khả năng lưu thông máu thông suốt, cơ thể không thiếu canxi, cũng cho thấy trạng thái nội tiết cơ thể vẫn ổn định, bạn có tiềm năng trường thọ. Ngược lại, nếu bạn là người có móng tay trắng bệch, dễ gãy nghĩa là cơ thể đang bị thiếu máu, móng tay màu vàng chứng tỏ đã mắc bệnh về gan...
2. Ngón tay linh hoạt, phản ứng nhanh
Ngón tay bị tê là hiện tượng lượng máu cung cấp cho ngón tay không đủ, dấu hiệu này thường gặp ở người mắc bệnh tim mạch và mạch máu não.
Ngược lại, khi mạch máu khỏe thì có thể vận chuyển máu kịp thời đến các bộ phận trên cơ thể, khiến các ngón tay linh hoạt, phản ứng vô cùng nhanh nhạy.
3. Móng tay chắc khỏe
Người có móng tay chắc khỏe thì sức đề kháng tốt, mạch máu hoạt động hiệu quả nên kịp thời truyền máu đến các cơ quan. Ngược lại, một người có mái tóc mỏng, móng giòn, dễ gãy thường thiếu máu, thiếu vitamin D và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Như thế việc đảm bảo sức khỏe và tuổi thọ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Cần hạn chế 3 loại thực phẩm để tránh làm tổn thương mạch máu
1. Thức ăn nhiều muối
Muối được gọi là "sát thủ vô hình" của các mạch máu, bởi nó chứa rất nhiều ion natri. Một số người thích ăn mặn, không kiểm soát được lượng muối tiêu thụ sẽ dẫn đến tổn thương mạch máu.
Quá nhiều ion natri cũng có thể gây ra hiện tượng tích nước và natri, làm suy yếu áp suất thẩm thấu của thành trong của mạch máu, hoặc gây co thắt mạch máu. Vì vậy, dù già hay trẻ cũng nên ăn ít thức ăn có nhiều muối.
2. Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Chất béo là nguồn cung cấp calo và năng lượng quan trọng mà cơ thể con người cần. Ngày nay, chế độ ăn uống của con người dần được đa dạng hóa, nhưng việc tập thể dục lại rất ít. Thường thì việc nạp một lượng lớn chất béo như vậy mà không tham gia tập luyện cuối cùng sẽ dẫn đến tăng lượng mỡ trong cơ thể, tăng lipid trong máu, máu trở nên nhớt và dễ hình thành huyết khối hơn. Thay vào đó, bạn nên chọn một số loại rau xanh trong bữa ăn hàng ngày, những loại rau này chứa nhiều vitamin, nguyên tố vi lượng và chất xơ, ăn thường xuyên sẽ tốt cho mạch máu.
3. Nội tạng động vật
Các loại nội tạng động vật như gan lợn, tim gà, óc lợn... đều có hương vị béo ngậy, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, bệnh nhân cao huyết áp và mỡ máu cao nên ăn ít. Lý do bởi hàm lượng cholesterol và chất béo trong nội tạng động vật cực kỳ cao, nếu ăn quá nhiều thì hàm lượng chất béo trong cơ thể sẽ vượt quá tiêu chuẩn, làm tăng lipid máu, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, trường hợp nghiêm trọng sẽ gây tắc nghẽn mạch máu và gây nhồi máu não.
Theo Đỗ Đỗ (Trí Thức Trẻ)