Những ai có nguy cơ mắc bệnh do virus corona?
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến 11h trưa 3/2, trên thế giới đã có 17.389 người mắc bệnh do virus corona gây ra, 362 người tử vong, trong đó Trung Quốc 361 người tử vong, Phillippines có 1 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam đã ghi nhận 8 người mắc nCoV, trong đó: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 4 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là những ai có nguy cơ mắc bệnh do virus corona gây ra và liệu người chỉ ho, sốt có nên lo ngại mắc bệnh không?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) , cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, theo nghiên cứu, việc mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV chỉ khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Cụ thể, theo những hiểu biết ban đầu, hiện nay, nguồn bệnh có thể là động vật mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh nCoV.
Bệnh lây theo đường hô hấp nên có thể lây truyền qua giọt nước bọt qua ho, hắt hơi hoặc lây truyền qua tay chân, vật dụng mà virus bám vào.
Ông nêu rõ, những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm là người đi từ vùng dịch trở về, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với những người đi từ vùng dịch về mà nhiễm bệnh như những người cùng chung sống, sinh hoạt với những người nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, là những người đi cùng máy bay, ôtô, tàu..., trong các đám tụ họp, trong bệnh viện mà có người bị nhiễm bệnh, những người làm công tác ở sân bay, cửa khẩu mà phải tiếp xúc với những người nhập cảnh nhiễm bệnh, những người nhà, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân...
"Những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt vì bệnh do virus nCoV rất dễ lây.
Do đó, chỉ những người bị sốt, ho và đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người bị bệnh mới nghi nhiễm bệnh.
Khi đó cần gọi điện cho cơ sở y tế, chính quyền sở tại để được tư vấn và đưa đi khám xác định có bị mắc nCoV hay không để được điều trị kịp thời", ông Phu nói.
Người đi từ vùng dịch về mà chưa phát bệnh không có nghĩa là không nhiễm nCoV
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng nêu rõ, bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV có thời gian ủ bệnh tới 14 ngày.
"Do đó, nếu là người đi từ vùng dịch về mà chưa phát bệnh không có nghĩa là không nhiễm nCoV", ông Phu khuyến cáo.
Ông đề nghị những người đi từ vùng dịch về cần khai báo y tế với chính quyền địa phương, tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Cùng với đó, hạn chế tiếp xúc với mọi người, kể cả người thân, thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi, tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác vì đây là bệnh có cơ chế lây qua đường hô hấp, qua không khí, qua giọt bắn khi hắt hơi, Nếu có biểu hiện bệnh sẽ chuyển đến cách ly tại cơ sở y tế.
"Trong thực tế, với người cần phải cách ly nhưng không tuân thủ, trước cưỡng chế cách ly sẽ áp dụng hình thức vận động, phân tích giúp họ hiểu sự cần thiết của cách ly để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Trường hợp phải cưỡng chế sẽ phải có cơ quan công an hỗ trợ phía y tế", ông Phu nói thêm.
Vị chuyên gia này thông tin, tại các cơ sở y tế, khi bệnh nhân đã nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm cũng cần tuân thủ quy trình về cách ly, điều trị và bảo hộ để tránh lây lan cho cộng đồng, đặc biệt lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế.
Việc điều trị cho những trường hợp bệnh nhân đã mắc bệnh sẽ tuân theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành và dựa trên từng thể trạng của bệnh nhân.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)