Kể từ đầu đại dịch COVID-19 cho đến giờ, các thống kê cho thấy khi nam giới nhiễm virus SARS-CoV-2, họ sẽ có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn so với phụ nữ. Một giả thuyết cho rằng đó là do sự khác biệt nội tiết tố giữa hai giới.
Cụ thể thì vì nam giới có nhiều testosterone hơn phụ nữ, một số nhà khoa học đã suy đoán rằng nồng độ cao của testosterone có thể là nguyên nhân khiến nam giới mắc bệnh nặng hơn.
Nhưng một nghiên cứu mới của Trường Y Đại học Washington bây giờ lại cho thấy điều ngược lại mới đúng. Ở nam giới, nồng độ testosterone trong máu thấp có liên quan đến sự tiến triển nặng hơn của COVID-19. Những nam giới có nồng độ testosterone cao ít có nguy cơ bị mắc bệnh nặng.
Giáo sư y khoa Abhinav Diwan, một trong số các tác giả nghiên cứu mới cho biết:
"Trong thời kỳ đại dịch, có một quan niệm phổ biến rằng testosterone là xấu. Nhưng chúng tôi nhận thấy điều ngược lại ở nam giới.
Nếu một người đàn ông nhiễm COVID-19 có nồng độ testosterone thấp ở thời điểm anh ta mới nhập viện, nguy cơ bệnh tiến triển thành nghiêm trọng - nghĩa là nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong - cao hơn nhiều so với những nam giới có nồng độ testosterone cao hơn.
Và nếu mức testosterone giảm hơn nữa trong thời gian điều trị, nguy cơ sẽ còn tăng lên nữa".
Nồng độ testosterone thấp có thể dự báo nam bệnh nhân nào cần phòng ICU và đặt nội khí quản sau 2-3 ngày nhập viện
Để rút ra kết luận này, giáo sư Diwan và các đồng nghiệp đã xét nghiệm máu thường xuyên cho 90 người đàn ông và 62 phụ nữ mắc COVID-19. Nồng độ testosterone của họ được đo và ghi lại vào các ngày điều trị thứ 3, 7, 14 và 28.
Ngoài testosterone, các nhà nghiên cứu còn đo nồng độ estradiol, một dạng estrogen do cơ thể sản xuất và IGF-1, một loại hormone tăng trưởng quan trọng tương tự như insulin và có vai trò duy trì khối lượng cơ bắp.
Kết quả cho thấy ở phụ nữ, không hề có mối tương quan giữa nồng độ của các loại hormone trên với mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
Ở nam giới, chỉ có nồng độ testosterone liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nồng độ testosterone trong máu dưới 250 nanogram trên mỗi decilit được coi là thấp ở nam giới trưởng thành.
Quan sát cho thấy những người đàn ông bị COVID-19 nặng có nồng độ testosterone trung bình chỉ khoảng 53 nanogram trên mỗi decilit. Những người đàn ông mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn có nồng độ testosterone trung bình là 151 nanogram trên mỗi decilit.
Vào ngày thứ ba, nồng độ testosterone trung bình của những người đàn ông tiến triển bệnh nặng nhất chỉ còn khoảng 19 nanogram trên mỗi decilit.
Nồng độ testosterone càng thấp thì bệnh càng nặng. Ví dụ, những người có mức testosterone thấp nhất trong máu có nguy cơ cao nhất phải thở máy, cần được chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong. 37 bệnh nhân - 25 trong số đó là nam giới - đã chết trong quá trình nghiên cứu.
Bác sĩ Sandeep Dhindsa, một nhà nội tiết học tại Đại học Saint Louis và cũng là một trong số các tác giả nghiên cứu mới cho biết:
"Trên toàn cầu, những nhóm nam bệnh nhân COVID-19 bị nặng hơn được biết có lượng testosterone thấp hơn. Chúng tôi cũng phát hiện ra những người đàn ông mắc COVID-19 ban đầu không bị bệnh nặng, nhưng có nồng độ testosterone thấp, thì vẫn có khả năng cần được chăm sóc đặc biệt hoặc đặt nội khí quản trong hai hoặc ba ngày sau đó.
Nồng độ testosterone thấp dường như có thể dự đoán được bệnh nhân nào có khả năng mắc bệnh nặng vài ngày sau nhập viện".
Các liệu pháp điều chỉnh hormone có giúp ích cho bệnh nhân COVID-19?
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ testosterone thấp ở nam giới cũng tương quan với mức độ viêm cao hơn, và sự gia tăng kích hoạt các gen cho phép cơ thể thực hiện các chức năng lưu thông hormone giới tính bên trong tế bào.
Nói cách khác, cơ thể có thể thích nghi với lượng testosterone thấp hơn lưu thông trong máu bằng cách kiểm tra khả năng phát hiện và sử dụng hormone. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết ý nghĩa của sự thích nghi này và đang kêu gọi các nghiên cứu thêm để làm rõ vẫn đề.
Tới giờ phút này, nghiên cứu chưa thể chứng minh testosterone thấp là nguyên nhân gây ra các ca mắc COVID-19 nghiêm trọng. Nồng độ thấp của hormone này trong máu cũng có thể chỉ là dấu hiệu của một số yếu tố nhân quả khác. Các nhà nghiên cứu lưu ý tuổi cao, béo phì và tiểu đường có liên quan đến sự suy giảm nồng độ testosterone và cũng là yếu tố tăng nặng bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, họ khuyến cáo những ai đang làm thử nghiệm lâm sàng liên quan đến thuốc điều chỉnh hormone cho bệnh nhân COVID-19 là nam giới nên cực kỳ thận trọng. Cụ thể, các thuốc chặn làm giảm testosterone hoặc tăng estrogen có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân COVID-19 là nam giới thay vì cứu sống họ.
Giáo sư Diwan, bản thân cũng là một bác sĩ tim mạch, cho biết: "Hiện chúng tôi đang điều tra xem liệu có mối liên hệ giữa hormone giới tính và di chứng tim mạch kéo dài sau COVID-19 hay không. Theo dõi hiện cho thấy nhiều bệnh nhân có các di chứng này trong nhiều tháng sau khi đã khỏi bệnh".
"Chúng tôi cũng quan tâm đến việc: Liệu những người đàn ông đang phục hồi sau COVID-19, bao gồm cả những người bị COVID-19 kéo dài, có thể hưởng lợi từ liệu pháp testosterone hay không? Liệu pháp này đã được sử dụng ở những người đàn ông có nồng độ hormone sinh dục thấp, vì vậy, cần điều tra xem liệu một cách tiếp cận tương tự có thể giúp những nam bệnh nhân sống sót sau COVID-19 phục hồi chức năng?".
Nghiên cứu mới hiện đã được công bố trực tuyến trên tạp chí JAMA Network Open.
Theo Thanh Long (Pháp Luật & Bạn Đọc)