Nghỉ lễ, quý ông nhậu nhiều coi chừng vỡ bàng quang

01/05/2022 10:31:18

Sau chầu nhậu “tới bến”, dù bụng căng tức nhưng không ít đấng mày râu vì nhiều lý do lại nhịn tiểu. Hậu quả là bàng quang bị vỡ, thậm chí viêm phúc mạc.

Nghỉ lễ, quý ông nhậu nhiều coi chừng vỡ bàng quang

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày. Với nhiều người, nhất là nam giới, đây là dịp để gặp gỡ, vui vầy cùng bạn bè, người thân. Tuy nhiên, có nhiều sự cố sau các chầu nhậu hết mình vì bạn bè. 

Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận nam thanh niên 29 tuổi bị vỡ bàng quang vì nhịn tiểu sau chầu nhậu.

Theo hồ sơ bệnh án, sau cuộc nhậu buổi tối, nam thanh niên này về nhà trong tình trạng say mèm. Đến 2h sáng, anh muốn đi tiểu nhưng đau buốt và không thể đi nổi. Anh cố chịu đứng đến sáng mới đi bệnh viện.

Bác sĩ nói bệnh nhân đến viện muộn nên vỡ bàng quang dẫn đến viêm phúc mạc. Kíp phẫu thuật hút khoảng 2 lít dịch, nước tiểu trong khoang bụng và phẫu thuật tạo hình bàng quang.

Trước đó, một bệnh viện ở Cần Thơ cũng tiếp nhận nam bệnh nhân ngoài 40 tuổi nhập viện sau khi uống rượu bị ngã và đau bụng dữ dội, bụng trướng, tiểu ra máu. Bệnh nhân được chẩn đoán vỡ bàng quang trong phúc mạc với kích thước lớn.

Trong ổ bụng người bệnh có gần 3 lít vừa máu vừa nước tiểu. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi thám sát ổ bụng kiểm tra các tạng trong ổ bụng, khâu bàng quang qua nội soi.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) từng tiếp nhận bệnh nhân vỡ bàng quang vì tai nạn sau cuộc nhậu. Sau khi được khâu lại bàng quang, bệnh nhân cho biết, trên bàn nhậu, anh em “thách đố” về “tửu lượng” và không cho đi… vệ sinh. Ai phải đi vệ sinh trước thì bị chê yếu và phạt trả tiền.

Sau cuộc nhậu, bệnh nhân cũng không đi vệ sinh mà tự chạy xe máy về, trên đường có va chạm giao thông và bị vỡ bàng quang.

Vì sao lại vỡ bàng quang?

Bác sĩ Vương Xuân Thủy, Khoa Ngoại - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chấn thương lúc bàng quang căng đầy thường gặp ở người uống nhiều rượu bia nhịn tiểu rồi té ngã hoặc bị tai nạn, trâu bò húc...

Khi bàng quang căng đầy, thành bàng quang rất mỏng và sức ép bên trong bị tăng cao đột ngột. Khi có tác động mạnh, mặt sau bàng quang là điểm yếu nhất, các thương tổn thường tập trung ở đây, gây vỡ.

Các triệu chứng của vỡ bàng quang như: đi tiểu ra máu; đau vùng hạ vị; khó khăn hay không thể đi tiểu được.

Các bác sĩ lưu ý, nhiều người vì công việc hoặc lý do khác thường nhịn tiểu, đây là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Từng có trường hợp vì nhịn tiểu khi đi xe đường dài nên một phụ nữ cũng bị vỡ bàng quang.

Về lâu dài, nhịn tiểu có thể dẫn đến rối loạn tiểu tiện, viêm nhiễm hệ thống thận tiết niệu, sỏi thận, suy thận...

Khi lượng nước tiểu trong bàng quang lên đến khoảng 500ml sẽ kích thích bàng quang và tạo cảm giác muốn tiểu tiện. Trong trường hợp nhịn tiểu lâu dẫn đến bàng quang giãn căng mất trương lực cơ bàng quang. Một vài trường hợp chỉ cần một lực tác động nhẹ dẫn đến vỡ bàng quang gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh vỡ bàng quang, bác sĩ Thuỷ khuyên quý ông không nên cố nhịn tiểu, tránh để bàng quang căng đầy dễ chấn thương, nhất là lúc uống nhiều rượu bia. Khi có những triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm nhất để có những biện pháp hỗ trợ, điều trị kịp thời.

Theo Thanh Hiền (VietNamNet)

Nổi bật