Mâm cơm ngày Tết luôn đầy ắp món ăn ngon và dồi dào dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhu cầu ăn uống trong những ngày này lại tương đối ít nên đồ ăn bị thừa mứa khá nhiều. Để tránh lãng phí, các gia đình thường có thói quen bảo quản thực phẩm qua đêm trong tủ lạnh.
Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm dù đã được chế biến kỹ thì cần phải vứt bỏ ngay nếu ăn thừa, bởi nếu bảo quản lâu chúng sẽ sản sinh độc tố gây hại cho sức khỏe.
Những thực phẩm sau đây dù thừa cũng không nên bảo quản trong Tết đó là:
1. Rau xào, rau luộc
Mâm cơm ngày Tết rất nên có một đĩa rau luộc để điều hòa dinh dưỡng. Tuy nhiên rau luộc, rau xào nếu như ăn thừa thì không nên bảo quản trong tủ lạnh qua đêm mà nên vứt bỏ ngay để tránh nguy cơ gây bệnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các loại rau lá xanh như súp lơ, rau bina, cải ngọt, bông cải xanh, cần tây... chứa nhiều nitrat hơn các loại rau khác. Sau 1 đêm bảo quản, sẽ tạo ra nhiều nitrit hơn.
Khi được ăn vào trong cơ thể, nitrit sẽ biến đổi thành nitrosamine, nếu ăn vừa phải có thể gây ngộ độc, ăn quá nhiều và thường xuyên thì nitrosamine trong thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
2. Nấm, mộc nhĩ
Nấm và mộc nhĩ là 2 nguyên liệu quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết. Không thể phủ nhận 2 loại thực phẩm này bổ dưỡng và đem lại hương vị ngon lành cho món ăn, nhưng khi để qua đêm, thành phần protein phức tạp trong chúng có thể gây hại cho hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, nấm và mộc nhĩ cũng chứa nhiều nitrat, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nitrosamine nguy hiểm.
3. Hải sản
Hải sản như tôm, cua, cá... sẽ chỉ ngon và bổ dưỡng nhất khi tươi sống và ăn ngay sau khi chế biến. Nếu để qua đêm, hải sản không còn tươi ngon, không chỉ bốc ra mùi khó chịu mà còn tạo ra nhiều sản phẩm phân hủy protein, khiến gan và thận bị tổn thương.
Đặc biệt, hải sản để qua đêm sẽ sinh ra rất nhiều vi khuẩn, dù đun sôi nhiều lần thì vi khuẩn cũng không thể tiêu diệt hết được, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
4. Trứng luộc
Trứng luộc chứa rất nhiều protein, cùng với các axit amin, lecithin và các thành phần khác cần thiết cho cơ thể con người. Tuy nhiên, nếu để trứng qua đêm sẽ sản sinh ra rất nhiều vi khuẩn. Đặc biệt, trứng lòng đào nếu được bảo quản không tốt có thể sinh ra vi khuẩn nguy hiểm như E.coli.... gây hại cho đường tiêu hóa, thậm chí gây tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa trong trường hợp nghiêm trọng.
5. Nước canh hầm xương
Các loại canh hầm xương, nước luộc thịt có chứa protein và các chất dinh dưỡng quý báu. Nhưng nếu được bảo quản trong thời gian dài, dinh dưỡng trong chúng sẽ bị phá hủy, thay vào đó là chất béo và hàm lượng purin cao.
Đặc biệt, nếu để canh trong nhiệt độ nóng ấm, canh rất dễ bị ôi thiu, không chỉ mùi vị thay đổi mà dinh dưỡng cũng có thể biến chất.
6. Món nộm
Các món nộm được coi là thực phẩm giải ngán ngày Tết, chúng có vị thanh mát, không cần nhiệt độ để nấu chín, hơn nữa được trộn bởi vô số nguyên liệu bao gồm rau, thịt, giấm, ớt, đường, mắm... Vì vậy vi khuẩn rất dễ sản sinh trong thực phẩm này nếu được bảo quản quá lâu. Thậm chí, món nộm được bảo quản không đảm bảo vệ sinh có thể gây hại cho đường ruột hoặc gây ngộ độc.
Kết lại
Thực phẩm sẽ chỉ ngon lành khi được ăn ngay sau khi chế biến, càng để lâu trong tủ lạnh thì càng mất giá trị dinh dưỡng, thậm chí là nguy cơ gây mất an toàn dễ gây ngộ độc, hại sức khỏe người ăn.
Trong những ngày Tết, các gia đình không nên nấu quá nhiều thức ăn cùng một lúc, chỉ nên sử dụng tất cả thực phẩm trong một bữa, hạn chế thói quen sử dụng lại thức ăn thừa.
Trong trường hợp không sử dụng hết thực phẩm thì nên đựng đồ ăn trong những hộp có nắp kín và sử dụng trong ngày. Tốt nhất không để thức ăn đã chế biến còn dư thừa qua 2 ngày trong tủ lạnh, nếu có mùi thì cần lập tức loại bỏ.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)