Phụ nữ lấy chồng, "khăn gói" về sống chung với những người trước đó vẫn hoàn toàn xa lạ, thật sự là một điều chẳng dễ dàng. Tệ hơn nữa là, đối phương lại chẳng hân hoan chào đón và tạo điều kiện cho họ hòa nhập. Từ đó đã dẫn đến nhiều câu chuyện buồn cho người trong cuộc.
Hòa tâm sự, cô đã kết hôn được 3 năm. Từng ấy năm cô làm dâu nhà chồng, vì bố mẹ chồng chỉ có mình chồng cô là con trai, vợ chồng cô không được ra ở riêng. Cuộc sống làm dâu của cô nói khổ chẳng khổ, nhưng trong lòng cô luôn chất chứa một nỗi buồn không nguôi. Đó là nỗi chua xót khi bị cô lập, bị coi là người ngoài trong nhà chồng.
Hòa kể rằng, cô tới bây giờ vẫn còn nhớ như in, vào ngày cưới của vợ chồng cô, lúc gia đình chụp ảnh kỉ niệm, bố chồng cô đã chỉ thẳng cô xẵng giọng: "Cô đứng xê ra cho nhà tôi còn chụp ảnh". Hòa hóa đá, cứ thế thẫn thờ nhìn các thành viên trong nhà chồng bao gồm bố mẹ chồng, chồng cô và em gái chồng kề vai vui vẻ chụp ảnh chung.
Còn cô bị quăng sang 1 bên như kẻ ngoài lề chả liên quan. Từ "nhà tôi" được bố chồng thốt ra như cứa vào tim Hòa đau nhói. Mẹ chồng, chồng cô lẫn em chồng lại chẳng ý kiến gì, nghiễm nhiên thừa nhận điều bố chồng cô nói. Hoặc họ không phải là cô nên coi nhẹ cảm xúc, tổn thương của cô, tặc lưỡi một cái "có gì to tát đâu mà buồn" là xong.
Hòa cười buồn nói, khi về sống chung, từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cũng đủ khiến Hòa cảm nhận rõ nét mình là người thừa. Mẹ chồng cho quần áo vào máy giặt song chừa lại mỗi quần áo của cô, nếu cô giặt phơi còn bà cất đồ thì thể nào quần áo của cô cũng còn nguyên trên sân thượng.
Bố chồng dọn cơm, cô sẽ không có bát ăn, phải tự mình đi lấy. Khách khứa tới nhà bố mẹ chồng cô chả bao giờ giới thiệu con dâu với họ. Và câu cửa miệng của mọi người luôn phân biệt giữa "nhà tôi" và "cô". Mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà chồng cô không được ai cho biết, càng đừng mơ góp ý kiến.
Hòa nói, có rất nhiều chuyện cô kể cả ngày cũng không hết. Thái độ của nhà chồng cô khẳng định một điều, vì con trai họ muốn cưới cô nên họ đành chấp nhận, chứ bản thân họ với cô chỉ là người xa lạ ở chung nhà. Họ không làm khó cô, song chẳng chào đón cô. Lạnh nhạt, thờ ơ, coi Hòa chả khác gì không khí.
Cô vợ trẻ này cho biết, cô từng tâm sự với chồng. Song anh gạt đi ngay, cho rằng cô "sướng quá hóa rồ", có bố mẹ chồng không làm khó là may mắn lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Bảo cô mở mắt nhìn mọi người xung quanh, đi làm dâu bị nhà chồng hành cho tơi tả vẫn phải chấp nhận kia kìa.
Đã đành như chồng cô nói, nhưng sống chung nhà, gọi nhau một tiếng "bố mẹ" xưng "con", tương lai có thể còn chung sống cả đời, mà đối xử với nhau như vậy thử hỏi ai không sầu não cho được? Chính cách cư xử của nhà chồng đã tạo áp lực tinh thần cho Hòa, khiến cô hễ bước chân về nhà chồng là thấy ngột ngạt, bí bách vô cùng. Đó cũng là lí do cô chần chừ mãi chưa muốn sinh con.
Hòa giãi bày, cô chưa khi nào cô được nở 1 nụ cười thoải mái khi sống ở căn nhà ấy. Thậm chí có lần Hòa còn bị nhốt cả đêm bên ngoài, vì chồng cô đi công tác, bố mẹ chồng thì đi chơi khóa hết cửa, mà cô lại chẳng được chia cho cái chìa khóa nào. Chính cái đêm phải ra nhà nghỉ ngủ ấy, Hòa đã hạ quyết tâm.
Cô không thể sống cả đời như thế này được. Nếu chồng cô không chịu ra ở riêng, vậy cô chỉ còn cách kết thúc cuộc hôn nhân này. Hiện tại cô và chồng đang ly thân, để suy nghĩ cho kĩ hơn trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Về việc này, Hòa bảo bố mẹ chồng cô vẫn như cũ bàng quan đứng nhìn, cô với chồng ly hôn cũng được, làm hòa cũng chả sao.
Nghe qua ai cũng sẽ nghĩ cô vợ trẻ này coi nhẹ hôn nhân, nói chuyện ly hôn dễ dàng quá. Nhưng có lẽ phải ở trong hoàn cảnh của cô ấy mới thấm thía, sống như 1 cái bóng trong 1 ngôi nhà xa lạ với những con người xa lạ, cả đời đằng đẵng, sẽ khiến bản thân dần héo mòn thế nào.
Theo Thược Dược (Nhịp Sống Việt)