Mới đây là trường hợp một bệnh nhân tử vong do nâng ngực tại bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS. Theo đó, nữ bệnh nhân 33 tuổi được nâng ngực tại viện chiều 17/10. Đến tối, bệnh nhân bị sùi bọt mép, sau đó mạch và huyết áp tụt dần, mạch cảnh khó bắt, mạch bẹn rõ nhưng rời rạc. Các bác sĩ xoa bóp tim ngoài lồng ngực, chích Adrenaline để duy trì mạch và huyết áp. Khuya, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu với chẩn đoán trụy mạch, suy hô hấp, tử vong lúc nửa đêm.
Trước đó, vào tháng 7/2017, ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ) đã tử vong khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Việt Thành (Sài Gòn). Cụ thể, sau khi được tiêm thuốc tê trước khi thực hiện hút mỡ bụng khoảng 10-15 phút, ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch.
Giữa tháng 4/2017, S.B.T. (22 tuổi, quê Cà Mau) đã đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM) để đặt túi ngực theo hợp đồng với BS L.T.H. Sau khi xuất viện trở về nhà, nữ bệnh nhân bất ngờ gặp biến chứng, khó thở, tràn dịch khi cắt chỉ vết thương. Dù đã được người nhà đưa đi bệnh viện nhưng trước tình trạng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng quá nặng kèm nhiều biến chứng khác, nữ bệnh nhân đã tử vong.
Và có lẽ bất cứ ai cũng không thể quên vụ "giết người, phi tang xác" của Thẩm mỹ viện Cát Tường vào năm 2013. Theo đó nạn nhân là chị L.T.T.H (SN 1974).
Trên đây đều là những ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực gây tử vong đáng chú ý khiến nhiều người kinh hãi. Nhiều người lo lắng khi muốn nâng ngực nhưng lại sợ hậu quả khôn lường. Đó chính là lý do giới chuyên gia muốn bạn ghi nhớ kỹ những điều sau được coi là nguyên tắc sống còn trước khi nâng ngực:
TS Nguyễn Huy Thọ cho biết, phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là loại phẫu thuật thông dụng, có độ an toàn cao nhưng không phải không tiềm ẩn rủi ro.
Nâng ngực chỉ an toàn nếu chọn đúng địa chỉ tin cậy
TS Nguyễn Huy Thọ nhận định, muốn nâng ngực ít xảy ra biến chứng nhất, độ an toàn cao nhất thì cần chọn lựa địa chỉ tin cậy để tiến hành. Thực tế cho thấy có rất nhiều vụ tai biến xảy ra do nâng ngực, thậm chí mất mạng tại những cơ sở thẩm mỹ chủ yếu là do tay nghề của chủ cơ sở còn thiếu kinh nghiệm, không đảm bảo thực hiện đúng từng thao tác phẫu thuật.
Quá trình gây tê và gây mê đóng vai trò cực quan trọng, cần tiến hành tại bệnh viện
Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ nói chung, TS Nguyễn Huy Thọ khẳng định, hai kỹ thuật được quan tâm nhiều nhất là kỹ thuật gây tê và gây mê. Trong khi gây tê có thể được làm tại những có sở thẩm mỹ viện tư thì gây mê bắt buộc phải làm ở các bệnh viện có đội ngũ bác sĩ với tay nghề cao và trang thiết bị đầy đủ.
Nguyên nhân là phẫu thuật nâng ngực gây chảy máu nhiều. Nếu quá trình cầm máu không tốt, tràn máu, tràn khí vào khoang phế mạc, gây ép phổi cũng là một biến chứng nguy hiểm. Một biến chứng khác cũng có thể xảy ra trong quá trình gây mê, việc không để ý nồng độ ôxy, để nồng độ này tụt xuống quá thấp cũng là một vấn đề cần lưu ý.
Ngoài ra, quá trình gây tê có thể tiềm ẩn nguy cơ sốc phản vệ, từ đó đe dọa tính mạng bệnh nhân. Do đó, để đảm bảo an toàn nhất gây tê và gây mê nên được thực hiện tại những bệnh viện với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
Để đảm bảo nâng ngực thành công cũng như không có biến chứng trong và sau khi thực hiện, bệnh nhân cần phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân khi tiến hành nâng ngực tùy vào thể trạng sẽ có những lưu ý riêng trong quá trình chăm sóc, phục hồi sức khỏe.
Một số nguyên tắc bất cứ ai khi nâng ngực cũng cần nhớ là: Không vận động vài ngày sau phẫu thuật đề phòng chảy máu, thực hiện massage những tuần sau mổ đề phòng biến chứng", TS Thọ chia sẻ.
Chỉ nâng ngực khi thấy thực sự cần thiết
Giới chuyên gia nhận định, trước khi nâng ngực, chị em cần thiết phải trả lời câu hỏi "Liệu mình có thực sự cần nâng ngực hay không?". Theo TS Thọ, trong một số trường hợp, việc nâng ngực là nhu cầu chính đáng như vú teo nhỏ, sa trễ bẩm sinh hoặc sau sinh, phì đại… Và mỗi trường hợp này sẽ được tư vấn phương pháp nâng ngực khác nhau để điều trị dị tật đúng nhất.
Những đối tượng không được tiến hành nâng ngực
Những người mắc bệnh chuyển hóa, đái tháo đường, tim mạch, gan thận, tâm thần tuyệt đối không được tiến hành nâng ngực. Do đó, trước khi tiến hành nâng ngực, bệnh nhân cần đảm bảo mình không mắc những bệnh lý trên, đồng thời không giấu bệnh với các chuyên gia, bác sĩ. Những đối tượng này khi sử dụng thuốc gây tê, gây mê rất dễ bị biến chứng hậu phẫu, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo Tiểu Nguyễn (Báo Dân Sinh)