Nếu buộc phải thức khuya bạn nên làm gì cho 'đỡ hại' cho sức khỏe?

18/07/2022 10:41:37

Ai chẳng muốn mình được nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày đi làm và đi học mệt mỏi. Nhưng đâu phải ai có cái “đặc quyền thiêng liêng” ấy, bởi ngoài kia có bao nhiêu bác sĩ, y tá, cánh nhà báo, chiến sĩ, cô chú lao công… vẫn đang phải “sống chung” với thức khuya...

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, mức sống con người ngày càng được nâng cao, kéo theo thời gian ngủ của con người cũng bị thay đổi. Có những người vì điều kiện công việc, không thể đi ngủ sớm, những người làm ca đêm hay chỉ đơn giản là thức khuya để xem phim, chơi game...

Nếu buộc phải thức khuya bạn nên làm gì cho 'đỡ hại' cho sức khỏe?

Theo một nghiên cứu cho thấy, rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ không bao giờ ngủ trước 11 giờ đêm. Như chúng ta đã biết thì việc thức khuya như vậy sẽ gây hại rất nhiều đến sức khỏe như suy giảm trí nhớ, tinh thần luôn mệt mỏi, giảm khả năng miễn dịch,...

Vì vậy, nếu bắt buộc phải thức khuya thì hãy lưu ý ngay những điều này để bảo vệ sức khỏe của bạn.

1. Chất lượng giấc ngủ phải thực sự đảm bảo

Đặc thù công việc khiến bạn phải làm việc muộn vào ban đêm, điều này đã khiến cho giấc ngủ hằng đêm bị rút ngắn lại, đôi khi còn làm giảm sút chất lượng giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, hay giật mình thức dậy giữa đêm…

Tuy nhiên, giấc ngủ lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần, trí tuệ mỗi người. Trong quá trình ngủ, não bộ sẽ thực thi nhiệm vụ sắp xếp lại chuỗi sự kiện, thông tin mà bạn đã có, giúp bạn có những sáng kiến bất ngờ và trở nên sáng tạo hơn sau khi được nghỉ ngơi.

Nếu buộc phải thức khuya bạn nên làm gì cho 'đỡ hại' cho sức khỏe? - 1

Ngược lại, theo các chuyên gia, nếu bạn ngủ ít hơn 4 tiếng, bạn sẽ rất khó để có thể đi vào giấc ngủ sâu, não không được thư giãn tối đa, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mất ngủ và suy nhược thần kinh.

Vì vậy, dù với mục đích gì mà buộc bạn phải thức khuya, hãy đảm bảo mình ngủ được ít nhất 4 đến 5 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt, trong thời gian ngủ, bạn hãy chắc chắn đây là một giấc ngủ liền mạch, ngủ sâu, không đứt đoạn hay mộng mị.

Do đó khi bạn buộc phải đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng, bạn có thể thức dậy trễ hơn vào lúc 7h – 7h30 và tặng cho mình 1 giấc ngủ trưa khoảng 30 phút. Ngoài ra, giấc ngủ ngắn ban trưa sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần nhanh chóng, tăng năng suất lao động và góp phần duy trì sự tỉnh táo vào buổi chiều đấy.

2. Uống đủ nước mỗi ngày

Chúng ta biết rằng, 70% cơ thể là nước và khi nhu cầu nước không được đáp ứng, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi và thiếu tỉnh táo. Đặc biệt, mỗi khi làm việc muộn hay thức khuya có cơ thể sẽ bị mất nước nhanh chóng. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị suy sụp tinh thần, mệt mỏi và thiếu tỉnh táo.

Nếu buộc phải thức khuya bạn nên làm gì cho 'đỡ hại' cho sức khỏe? - 2

Đừng quên để một chai nước trên bàn làm việc và uống đều đặn, uống nước sau khi thức dậy… Đây đều là thói quen tốt giúp bạn cấp nước cho cơ thể. Nhất là khi uống nước lúc bụng rỗng có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất ít nhất 24% đấy. Ngoài ra, chăm chỉ bổ sung nước cho cơ thể còn giúp da dẻ đỡ khô ráp, căng tràn sức sống sau mỗi lần thức khuya.

3. Bổ sung chất dinh dưỡng và thực phẩm lành mạnh

Thường với những người hay thức khuya, làm việc ca đêm thường có thói quen ăn uống không tốt. những người hay thức khuya thường rất hay đói vào ban đêm rồi sau đó họ sẽ ăn thêm các món như mì tôm hay đồ ăn vặt..., còn những người làm ca đêm thì luôn cảm thấy mệt mỏi nên thường bỏ qua bữa ăn sáng để có thể ngủ được nhiều hơn. Những điều này gây hại rất nhiều cho cơ thể.

Vì thế, bạn nên dùng bữa trước 8 giờ tối. Từ nửa đêm trở đi, nếu bạn quá đói, hãy dùng các bữa ăn nhẹ với một chút trái hoặc một cốc sữa ấm, tránh tuyệt đối món nhiều đường, giàu chất béo. Ngoài ra bạn nên ăn nhiều những món ăn được chế biến từ cà chua, cà rốt, bí đỏ, trứng gà hoặc vịt, đu đủ chín, bơ, rau dền, đậu bắp... giúp bổ mắt, và ăn cá cung cấp chất béo omega 3 tốt cho não.

Nếu buộc phải thức khuya bạn nên làm gì cho 'đỡ hại' cho sức khỏe? - 3

4. Tập thể dục

Những người hay thức khuya thường rất hay ngồi một chỗ trong phòng hoặc nơi làm việc rất dễ khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức. Vì vậy, bạn nên ra ngoài vận động, tập thể dục một chút, hít thở không khí trong lành, xua tan đi những mệt mỏi và tăng cường sức khỏe. Hoặc bạn có thể dừng công việc lại một chút, hít thở sâu, đi lại trong phòng để có thể giải tỏa áp lực cho cơ thể nhé!

5. Không được bỏ bữa sáng

Vì quá mệt mỏi vì đêm hôm trước thức khuya, buổi sáng hôm sau mọi người thường có xu hướng bỏ bữa sáng để có thười gian dành cho việc ngủ. Điều này chỉ khiến cơ thể mệt càng thêm mệt mà thôi. Vì vậy dù thế nào đi chăng nữa, vẫn nên đảm bảo 3 bữa một ngày với bữa sáng là quan trọng nhất.

6. Chú ý đến việc nghỉ ngơi, thư giãn

Thức khuya thường dễ khiến cho cơ thể rơi vào mệt mỏi do các hoạt động của cơ thể bị đảo lộn, nhất là khi chúng ta chưa thực sự làm quen với nhịp sinh học như vậy.

Nếu buộc phải thức khuya bạn nên làm gì cho 'đỡ hại' cho sức khỏe? - 4

Vậy nên các bạn nên dành thêm thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn để giúp cơ thể phục hồi. Sau giờ làm bạn có thể tập thể dục nhẹ nhàng buổi sáng, đạp xe, ngồi thiền, yoga, nghe nhạc… sẽ rất hữu ích đấy.

Công việc, sự nghiệp là điều rất đáng quý. Nhưng hãy nhớ rằng, sức khỏe của bạn mới là điều quan trọng nhất. Bởi vì có sức khỏe thì bạn mới có sức để lao động và cống hiến. Nếu bạn buộc phải sống chung với việc thức khuya thì hãy xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học để cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất, đủ sức đương đầu với công việc.

Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ giúp hạn chế phần nào tác hại của thức khuya, hãy cố gắng sắp xếp để có thể đi ngủ sớm các bạn nhé!

PN (Nguoiduatin.vn)