Nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở mức rất cao nguy hiểm cho sức khoẻ con người mức nào?

01/06/2021 13:34:52

Mấy ngày nay, cả nước ta bước vào bước vào đợt nắng nóng gay gắt. Nền nhiệt tại Hà nội cũng như các tỉnh miền Bắc tiếp tục tăng tới 40 độ C, dự báo những ngày nắng nóng còn tiếp tục kéo dài.

Không chỉ nắng nóng gay gắt, nhiều thành phố còn có ngưỡng chỉ số tia cực tím ở mức rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa phía Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 23-26 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (01/6), ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C như: Hòa Bình, Lạc Sơn (Hòa Bình), Láng (Hà Nội), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Tây Hiếu (Nghệ An), Đô Lương (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Ba Tơ (Quảng Ngãi)... Các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Trong ngày hôm nay (01/6), Hà Nội có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ, có nơi trên 40 độ.

Nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở mức rất cao nguy hiểm cho sức khoẻ con người mức nào?

Không chỉ có nền nhiệt tăng cao, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 1/6, ngưỡng chỉ số tia cực tím (UV) tại các thành phố cũng ở mức rất cao. Thời điểm xuất hiện chỉ số tia cực tím cực đại thường xảy ra từ 10 giờ đến 13 giờ.

Từ ngày 2-4/6, chỉ số tia cực tím tại Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Huế (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng; Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thành phố Cà Mau (Cà Mau) đều từ mức từ 8-10. Theo bảng tham chiếu thì chỉ số tia cực tím từ 2.5-5.4 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 5.5-7.4 nguy cơ gây hại cao, từ 7.5 -10.4 là nguy cơ gây hại rất cao, từ 10.5 trở lên là đặc biệt cao.

Nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở mức rất cao nguy hiểm cho sức khoẻ con người mức nào? - 1

Tia cực tím là gì?

Tia cực tím hay còn gọi là tia tử ngoại là tia do mặt trời phát ra có tia có bước sóng ngắn hơn so với ánh sáng nhìn thấy được và dài hơn so với tia X, bước sóng của tia UV từ 10nm đến 380nm. Liên quan đến sức khỏe của con người và dựa vào bước sóng tia UV được chia làm 3 loại:

Tia UVA: Vùng tia này gần với vùng ánh sáng nhìn thấy (Bước sóng 315 nm÷380 nm).

Tia UVB: Vùng bức xạ này có bước sóng dài hơn tia UVA (bước sóng 280 nm÷315 nm, gây say nắng, tổn thương làm đen da).

Tia UVC: Đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất (tia UVC có bước sóng 100 nm÷280nm, gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozon chặn lại).

Chúng ta thường phải tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%).

Nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở mức rất cao nguy hiểm cho sức khoẻ con người mức nào? - 2

Tia UV ở ngưỡng cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào

Các tia UV có ảnh hưởng chủ yếu tới da, mắt và hệ miễn dịch của con người.

Gây hại cho da

Theo WHO, cả bức xạ UVA và UVB đều có thể làm tổn thương làn da của bạn bằng cách xuyên qua lớp biểu bì của da và phá hủy DNA của tế bào.

UVA kích hoạt sắc tố melanin đã có trong các tế bào da trên. Nó tạo ra một vết rám nắng xuất hiện nhanh chóng nhưng cũng mất đi nhanh chóng. Hơn nữa, tia UVA thâm nhập vào các lớp da sâu hơn, nơi các mô liên kết và mạch máu bị ảnh hưởng. Kết quả là da mất dần độ đàn hồi và bắt đầu nhăn nheo. Do đó, liều lượng lớn của tia UVA gây lão hóa sớm. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nó có thể tăng cường sự phát triển của bệnh ung thư da. Cơ chế gây ra tác hại của tia UVA này vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng một giả thuyết phổ biến cho rằng tia UVA làm tăng stress oxy hóa trong tế bào.

Liều lượng UVB cao hơn gây ra cháy nắng, làm tăng khả năng phát triển ung thư.

Nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở mức rất cao nguy hiểm cho sức khoẻ con người mức nào? - 3

Ảnh hưởng đến mắt

Cũng như tác động lên da, các tia nắng chiếu vào khác nhau sẽ xuyên qua mắt ở các độ sâu khác nhau. Một báo cáo đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ năm 1998 ghi nhận chỉ cần một lượng nhỏ ánh sáng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ phát triển tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, mộng thịt (pterygium), thoái hóa kết mạc, ung thư da quanh mí mắt, thoái hóa điểm vàng.

Hệ thống miễn dịch

Hầu hết các thí nghiệm cho đến nay đều tập trung vào tia UVB, vì nó có vẻ quan trọng hơn tia UVA trong việc gây ra điều hòa miễn dịch. Tuy nhiên, gần đây sự quan tâm đến tác động của tia UVA đối với hệ thống miễn dịch ngày càng tăng. Người ta tin rằng bức xạ UV được hấp thụ bởi một phân tử nằm trong da. Điều này dẫn đến những thay đổi trong sự phân bố và hoạt động của một số thành phần phân tử và tế bào quan trọng của hệ thống miễn dịch.

Sự thay đổi cân bằng của phản ứng miễn dịch thông qua các tế bào và kháng thể có thể làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể chống lại một số bệnh.

Việc cần làm để chống lại bức xạ của tia UV

- Hạn chế ra đường, đặc biệt là vào khoảng giữa trưa, lúc này chỉ số UV tăng lên rất cao

- Mặc quần áo chống nắng che kín toàn thân

- Đeo kính râm để bảo vệ chống lại cả bức xạ UVA và UVB

- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng tối thiểu (SPF) là 15 để chống lại bức xạ UVA và UVB, và bôi lại sau mỗi 2 giờ.

Ngoài ra, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lưu ý rằng, trẻ nhỏ vào thời tiết này cần tránh ra ngoài để đảm bảo được sức khỏe. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên tránh ánh nắng trực tiếp và phải mặc quần áo chống nắng khi ra ngoài.

Theo TL (Pháp Luật & Bạn Đọc)