Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể con người, nằm ở phía sau của ổ bụng và chịu trách nhiệm điều tiết các chất điện giải trong máu đồng thời hỗ trợ trong việc loại bỏ các độc tố và chất thải từ cơ thể.
Ngoài ra, bộ phận này còn loại bỏ dịch và chất thải từ hơn 200 lít máu mỗi ngày, đồng thời sản xuất các hormone kiểm soát huyết áp, giữ cho xương khỏe mạnh, kiểm soát mức độ pH và sản xuất các tế bào hồng cầu.
Thận bị sẽ tổn thương khi hoạt động bình thường của thận bị ảnh hưởng, trong trường hợp nặng, nó dẫn đến suy thận, có thể gây tử vong cao. Dưới đây, tiến sĩ S. Adam Ramin, bác sĩ tiết niệu người Mỹ, cảnh báo 5 thói quen hại thận:
Uống không đủ nước
Thận cần nước để hoạt động tốt. Uống quá ít khiến thận không đủ nước để co bóp và đẩy natri cùng chất cặn bã, độc tố ra ngoài, làm chúng không thể phân giải và tích tụ trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ sỏi thận, nhiễm độc thận. Do vậy mọi người cần uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Tùy vào giới tính, trọng lượng cơ thể, hoạt động và tình trạng sức khỏe, lượng nước cần cho mỗi người vào khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Những người chơi thể thao, tiết nhiều mồ hôi cần bổ sung nhiều nước hơn. Người từng bị sỏi thận cũng nên uống nhiều nước hơn để hạn chế hình thành sỏi trong tương lai.
Tiêu thụ quá nhiều muối
Nếu bạn thường xuyên ăn mặn, thận của bạn cần làm việc nhiều hơn để điều chỉnh cân bằng điện giải trong máu. Khi cơ quan này làm việc quá sức, nó sẽ bị tổn thương.
Giảm thiểu lượng muối ăn vào có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe thận, đặc biệt nếu một người đã biết mình có vấn đề về thận. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ (NKF), những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên hấp thụ 2,3g natri mỗi ngày còn những người mắc bệnh thận hoặc huyết áp cao nên hạn chế ở mức 1,5g.
Ăn thực phẩm chế biến
Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Nutrition, những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến nhất cũng có tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính cao nhất. Hệ thống lọc trong cơ thể con người, bao gồm cả thận, không được thiết kế để xử lý thức ăn nhanh được tiêu thụ rất nhiều như hiện nay.
Bạn hãy tập trung vào tăng nhiều loại trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và nước.
Ăn nhiều thịt đỏ
Tiêu thụ quá nhiều đạm, đặc biệt là thịt đỏ có thể gây hại cho thận. Các chất độc như nitơ và amoniac được thận thải ra thông qua nguồn đạm. Tiêu thụ đạm với số lượng quá nhiều khiến thận phải lọc nhiều hơn và làm tổn thương thận. Nên ăn những phần nhỏ đạm khác nhau, như trứng, cá, đậu và các loại hạt.
Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng protein từ động vật làm căng thận khi thận hoạt động để loại bỏ chất thải ra khỏi máu. Thịt đỏ đứng đầu danh sách đó. Ăn thịt đỏ thường xuyên có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển sỏi thận.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thận Mỹ cho thấy lượng thịt đỏ ăn vào có liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Nhóm tác giả khuyên bạn nên thay thế thịt đỏ bằng protein từ thực vật bất cứ khi nào có thể. Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau giàu protein như đậu Hà Lan và bông cải xanh là những lựa chọn tốt cho thận.
Uống rượu hoặc lạm dụng thuốc giảm đau
Thường xuyên uống nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận phải làm việc hết công suất để lọc máu mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, gây hại thận.
Thống kê cho thấy, uống nhiều đồ có cồn mỗi ngày có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Rủ ro gia tăng nếu người đó hút thuốc. Những người nghiện rượu và nghiện thuốc lá cùng lúc có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao gấp 5 lần.
Tương tự như vậy, những người lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc khác có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn.
Minh Ngọc (SHTT)