Bệnh nhân hỏng thận vì tự chữa
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai vừa chia sẻ một trường hợp nam bệnh nhân sinh năm 1985 phải nhập viện vì suy thận. Cách đây 3 năm, bệnh nhân này đã bị suy thận độ nhẹ, vẫn bảo tồn được thận.
Sau đó, bệnh nhân về nhà nghe lời mách thực dưỡng và uống thuốc nam để điều trị suy thận. Hơn một năm nay bệnh nhân tin rằng mình đã khỏi bệnh nhưng khi vào viện cấp cứu thì các chỉ số xét nghiệm đều khiến bác sĩ giật mình, đặc biệt là chỉ số kali. Các bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành lọc máu cứu bệnh nhân vì chậm trễ có thể gây ngưng tuần hoàn do biến chứng kali máu cao.
Bệnh nhân này sẽ phải chạy thận nhân tạo suốt đời vì hai thận đã teo. Đây là một trường hợp cực kỳ đáng tiếc cho người bệnh. Với những bệnh nhân này, bác sĩ Hùng cho biết nếu điều trị bài bản, khoa học thì có thể bảo tồn thận rất lớn, nhưng người bệnh tự tay gây teo hai quả thận.
Nói về suy thận, TS Nguyễn Cao Luận, nguyên trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với bệnh nhân suy thận ở giai đoạn sớm thì chỉ cần sai sót chút trong sử dụng thuốc nam, ăn uống cũng có thể gây hại thận.
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra, và kéo theo sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc - môn do thận sản xuất.
Đặc biệt, trong thuốc nam chứa hàm lượng kali rất nhiều. Khi tăng kali máu có thể do ăn uống thực phẩm giàu kali quá mức; dịch truyền, thuốc tiêm có chứa nhiều muối kali… Nếu bình thường thận thải độc được nhưng khi thận đã bước vào giai đoạn suy thì không thể tự thải độc được và gây suy gan, suy thận thêm.
Ngoài ra, còn chưa kể dược liệu kém được bảo quản bằng hóa chất như: lưu huỳnh, chì, kẽm, phosphua nhôm, những chất này thấm sâu vào thuốc, khi người bệnh sắc thuốc chúng sẽ khuếch tán ra theo thuốc nếu uống vào suy gan, suy thận. Vì thế, nhiều người đã từ suy thận độ 1, độ 2 nhanh chóng chuyển thành độ 4, độ 5.
Thực dưỡng có tốt không?
Thời gian qua, trên mạng xã hội có một nhóm thường lên mạng truyền bá những công năng siêu thần của thực dưỡng từ một tài khoản Facebook Nguyen Binh. Với những lời mời chào, quảng cáo về tác dụng của thực dưỡng được cóp nhặt một cách "ngọt ngào" khiến nhiều người tin và chạy theo.
Thạc sĩ Hùng cho rằng, việc chia sẻ về thực dưỡng, lấy lòng tin của người bệnh rất nguy hiểm vì thực tế có nhiều bệnh nhân chỉ còn da bọc xương khi thực dưỡng chữa ung thư, thực dưỡng trị suy thận như trường hợp bệnh nhân trên là điển hình.
Mỗi loại thức ăn có vai trò cung cấp một vài loại chất dinh dưỡng nhất định cho cơ thể, đừng bắt nó phải gánh thêm nhiệm vụ khác. Ví dụ, như hạt gạo nếu muốn tốt cho tiêu hoá, thì ăn gạo trắng, còn muốn hấp thu dưỡng chất quý thì ăn gạo lứt.
Bác sĩ Hùng cho biết chúng ta hãy ăn sạch, ăn khoa học và điều độ. Việc cân bằng các yếu tố dinh dưỡng trong bữa ăn là rất cần thiết. Mỗi bữa ăn cần đầy đủ chất đạm, đường và chất béo theo tỉ lệ nhất định.
Mọi người thay vì kiêng khem món này món kia, hãy ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; thay vì ngồi lân la vào mạng để tìm thông tin ăn gì cho khỏe thì hãy đi ra ngoài và tập thể dục giúp máu lưu thông, tiêu tốn bớt năng lượng thừa, cơ thể khỏe lên.
Hệ thống miễn dịch từ một cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại được nhiều cuộc tấn công từ bên ngoài hơn. Đó cũng là cách để chúng ta bảo vệ và phòng ngừa bách bệnh cho mình… chứ không phải mải mê với muối vừng, gạo lứt, nước tương như nhiều người đang tìm hiểu.
Theo Tiểu Nhã (Soha/Trí Thức Trẻ)