Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho VietNamNet biết, trong 2 ngày 5 và 6/4, nơi đây tiếp nhận 2 bệnh nhân xoắn tinh hoàn đến điều trị muộn phải cắt bỏ tinh hoàn.
Từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, đã có 9 trường hợp xoắn tinh hoàn đến bệnh viện này thăm khám. Tuy nhiên có đến 7 bệnh nhân phải cắt bỏ tinh hoàn, chỉ 2 trường hợp may mắn bảo tồn được.
Trong đó, có bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm là viêm tinh hoàn, đến bệnh viện khi tinh hoàn đã tím đen nên không có khả năng bảo tồn. Trường hợp xoắn tinh hoàn nhỏ nhất là 14 tuổi, lớn nhất là 24 tuổi.
Trên Lao động, PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học cho biết, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.
"Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động xoay quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn. Đây là một cấp cứu nam học cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm đặc biệt trong 6 giờ đầu"- bác sĩ Quang nói.
Theo PGS Nguyễn Quang, triệu chứng của xoắn tinh hoàn thường các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau chói ở bìu bệnh nhân nên thường nhớ rõ thời điểm đau. Khi khám lâm sàng tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện.
Siêu âm Doppler đánh giá phổ mạch tinh hoàn rất có giá trị để chẩn đoán xoắn tinh hoàn với dấu hiệu xoáy nước điển hình. Bệnh thường hay chẩn đoán nhầm với viêm tinh hoàn, đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chẩn đoán chậm trễ và phải cắt tinh hoàn.
Từ các trường hợp trên, các bác sĩ Trung tâm Nam học khuyến cáo, nam giới cần đi khám ngay khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu. Còn đối với các bác sĩ các tuyến, khi đứng trước một bệnh nhân đau đột ngột ở vùng bìu cần phải nghĩ đến bệnh lý đặc biệt này và chẩn đoán chính xác để tránh những hậu quả đáng tiếc.
PN (Nguoiduatin.vn)