Furkhan Qureshi, một học sinh lớp 12, sinh sống tại thị trấn Neemuch, Madhya Pradesh đã đột tử sau khi chơi PUBG (PlayerUnknown’s Battlegrounds) 6 tiếng liên tục. Vụ việc xảy ra vào ngày 28/5 vừa qua.
Sau bữa ăn trưa với gia đình, Furkhan đã cầm lấy điện thoại di động và chơi trò chơi yêu thích như một thói quen. Harun Rashid Qureshi, cha cậu bé, kể lại: “Furkhan bắt đầu chơi trò chơi ngay sau bữa trưa và nó chơi liên tục trong khoảng 6 tiếng. Trước khi nó gục ngã, nó đã rất kích động và hét vào màn hình điện thoại.”
Fiza Qureshi, em gái của Furkhan, người ngồi bên cạnh khi sự việc xảy ra, nói rằng: “Anh trai tôi đang chơi điện tử với một vài người bạn. Đột nhiên anh ấy hét lên “thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, sắp nổ rồi!”. Sau đó thì anh ấy rất tức giận, vứt cả tai nghe và điện thoại đi. Anh Furkhan bắt đầu khóc và nói “tao sẽ không bao giờ chơi với mày nữa, vì mày mà tao thua!”.
Ngay sau đó, Furkhan gục ngã và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng không qua khỏi. Bác sĩ, tiến sĩ tim mạch Ashok Jain – người đã trực tiếp cấp cứu cho Furkhan – nói rằng: “Cậu bé được đưa đến bệnh viện sớm nhưng mạch đã không còn đập. Chúng tôi đã cố gắng hồi sinh bằng cách sốc điện cũng như tiêm thuốc kích tim, nhưng đã không thành công.”
“Gia đình Furkhan nói rằng cậu bé là một vận động viên bơi lội, vậy nên chắc hẳn cậu có một trái tim khỏe mạnh”, bác sĩ Jain nói, “nhưng sự phấn kích của trò chơi đã quá lớn, làm gia tăng adrenaline khiến tim ngừng đập. Tôi kêu gọi trẻ em nên hạn chế việc chơi điện tử như vậy càng sớm càng tốt.”
Mohammad Hashim, anh trai Furkhan, cho biết anh cũng từng nghiện trò chơi này và có lần chơi liên tục đến 18 tiếng liền. Nhưng anh đã xóa trò chơi vĩnh viễn sau cái chết của em trai mình.
Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố rằng, trò chơi điện tử thực sự là một vấn đề nghiêm trọng, có thể gây nghiện và gây ra các tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần.
Tác hại của việc nghiện chơi game
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Theo thống kê của viện nghiên cứu khoa học Cali (Mỹ), người ngồi máy tính thường xuyên trên 2 giờ có thể sẽ bị các căn bệnh như: cao huyết áp, mắt giảm thị lực, da bị khô, nhiều nếp nhăn và tàn nhang, giảm sức đề kháng...
Chưa kể nếu bạn ngồi máy tính không đúng tư thế cũng sẽ có nhiều vấn đề xảy ra cho cơ thể bạn như mỏi lưng, mờ mắt, cong vẹo cột sống... Nếu ngồi bên máy tính quá 5 giờ/ngày sẽ khiến tinh thần, sức đề kháng, hoạt động của tim đều bị suy giảm tối thiểu là 10%. Một số dấu hiệu cảnh báo của nghiện game bao gồm mất tập trung, giấc ngủ thường bị gián đoạn, hay lo âu, giận dữ vô cớ, và bị ám ảnh.
Học hành sa sút
Khi dành quá nhiều thời gian cho việc chơi game, tâm trí và thể lực sẽ không còn đủ cho các hoạt động khác, đặc biệt là học tập. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ 10 học sinh nghiện game thì chỉ có 1 học sinh đạt học lực khá, còn lại đều là trung bình hoặc dưới trung bình.
Mất dần khả năng giao tiếp
Một số game online có hỗ trợ hệ thống chat, bao gồm trò chuyện và nhắn tin. Nhưng những người chơi game nói chung hay nghiện game nói riêng sẽ chỉ sử dụng những từ lóng, kí tự viết tắt, ... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng viết lách và giao tiếp ngoài đời thực.
Gia tăng tệ nạn xã hội
Một số trò chơi online chứa nhiều hình ảnh máu me, bạo lực và gây ảnh hưởng mạnh đến thần kinh người chơi. Đó là lí do nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra chỉ là “lậm” game, coi việc làm người khác bị thương là bình thường, không vi phạm pháp luật.
Theo Hoàng Lan (Khampha.vn)