Bệnh viện trực thuộc thứ hai của Đại học Trung y Dược Chiết Giang (Trung Quốc) gần đây đã tiếp nhận một trường hợp bị gút, chỉ mới 16 tuổi.
Bệnh nhân là nam, tên là Tiểu Lôi, là học sinh trung học phổ thông. Cậu bé này không thích ăn hải sản, không nghiện rượu bia. Nhưng có một thói quen xấu từ khi còn nhỏ đó là: Nghiện nước ngọt có ga.
Cha mẹ thấy nước ngọt có ga có thể chứa các chất phụ gia, cho nên yêu cầu Tiểu Lôi chuyển sang uống nước ép trái cây. Dần dần, Tiểu Lôi bắt đầu nghiện nước ép trái cây và uống vài ly mỗi ngày.
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra khá bình thường. Bỗng một đêm, ngón cái bàn chân trái của cậu bé bị sưng đỏ, nóng rát đến mức không thể ngủ được. Gia đình đã đưa Tiểu Lôi đến bệnh viện. Sau khi kiểm tra, người ta phát hiện ra rằng nồng độ axit uric trong cơ thể cậu bé này vượt quá mức 600 umol/L. Trong khi đó ở đàn ông bình thường chỉ rơi vào khoảng 210 - 420 umol/L.
Bác sĩ Lý Tiểu Bằng (Khoa Thấp khớp và Miễn dịch học) đánh giá: Tiểu Lôi đã mắc bệnh gút vì loại nước ép trái cây mà cậu ấy thích uống hàng ngày.
Tại sao uống nước ép trái cây lại gây ra bệnh gút?
Gút là căn bệnh hình thành do các tinh thể urat trong mô cơ thể, thường xảy ra trong hoặc xung quanh khớp, dẫn tới viêm khớp gây ra đau đớn dữ dội. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gút là do sự dư thừa axit uric trong máu.
Chúng ta đều biết rằng bản thân trái cây tươi đã có hàm lượng đường cao. Khi đem đi ép thì chất xơ sẽ bị loại bỏ hết, đồng thời đường trong trái cây sẽ được giải phóng hoàn toàn. Đó là còn chưa kể nhiều hãng nước trái cây còn bổ sung thêm chất bảo quản, chất phụ gia công nghiệp vào trong quá trình chế biến, dẫn đến lượng đường trong nước ép trái cây cao hơn nhiều so với việc ăn trái cây trực tiếp.
Trong Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (Hoa Kỳ) đã cho thấy: Nước trái cây dù là tự nhiên hay công nghiệp đều có chứa hàm lượng đường fructose cao. Trong khi đó, đường fructose vừa có thể làm tăng axit uric trong máu, vừa làm giảm bài tiết axit uric.
Nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho thấy uống nước chứa nhiều đường trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút ở nam giới. Để có được kết luận này các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trong 12 năm đối với 46.393 nam giới không có tiền sử bệnh gút, trong đó 755 người đã mắc bệnh gút. Nguồn thực phẩm chính của những người này là nước cam, nước táo, nho khô, đồ uống có đường...
Ngoài nước trái cây, một số thực phẩm đặc biệt chứa hàm lượng purine cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, bao gồm thịt đỏ, nội tạng động vật, thịt chế biến sẵn...
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh gút hiệu quả?
Bác sĩ Huỳnh Kiến Lâm (Trưởng Khoa Thấp khớp và Miễn dịch học tại Bệnh viện Liên kết thứ sáu của Đại học Tôn Trung Sơn), cho biết "gốc rễ" của việc kiểm soát bệnh gút đó chính là kiểm soát mức độ đường huyết và tăng đào thải axit uric.
"Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh gút của Trung Quốc năm 2016" đã đưa ra các khuyến nghị sau đây cho chế độ ăn uống của người bệnh gút:
- Hạn chế uống rượu; giảm ăn thực phẩm giàu purin; giảm ăn đường fructose; tăng ăn rau tươi.
- Nên uống 300ml sữa tách kem hoặc ít béo và các chế phẩm từ sữa mỗi ngày;
- Trứng, mỗi ngày một quả;
- Mỗi ngày ăn từ 500g rau tươi trở lên;
- Khuyến khích ăn ngũ cốc có chỉ số đường huyết (GI) thấp;
- Uống nhiều nước (kể cả trà, cà phê…), ít nhất 2000ml mỗi ngày.
- Khuyến khích ăn các sản phẩm từ đậu nành.
Bác sĩ Huang Jianlin nói rằng mỗi ngày có thể ăn khoảng 2 lạng thịt và 1 quả trứng, ngoài ra chỉ nên ăn rau và ngũ cốc. Lượng hoa quả mỗi ngày có thể tiêu thụ khoảng 200g-350g, tốt nhất không nên uống nước ép trái cây.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ đối với bệnh gút. Vì vậy, việc duy trì cân nặng phù hợp sẽ giúp làm giảm lượng axit uric trong máu, tăng sức chịu đựng của các khớp hơn.
PN (SHTT)