Cậu học sinh này tên Tiểu Châu, 15 tuổi, sống ở Chiết Giang (Trung Quốc), chỉ vì quá yêu thích uống nước ngọt mà cậu đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo lời cô giáo của Tiêu Châu thì cậu vốn là nam sinh có ngoại hình cao lớn (1m76), cân nặng cũng tỷ lệ thuận theo đó là thường rơi vào từ 90 đến 100kg.
Hôm xảy ra sự việc đau lòng trên thì cả lớp Tiểu Châu đều có mặt ngoài sân thể dục để chuẩn bị cho bài thi chạy. Trong các tiết thể dục trước đây, thầy cô đều cố gắng châm chước cho Tiểu Châu vì thể trạng của cậu, nhưng vì lần này là bài thi kết thúc môn nên cậu không thể không tham gia.
Bạn của Tiểu Châu chia sẻ, cậu vốn lười vận động nên trong giờ thể dục khi tới mình thì cậu thấy căng thẳng, và phải uống nước có ga tới vài lần.
Hôm đó khi vừa vào đường chạy được 1 đoạn ngắn thì Tiểu Châu bất ngờ ngã khuỵu xuống đất, giáo viên gọi đứng dậy cũng không thấy cậu trả lời.
Lúc này, đến cả giáo viên thể dục và bạn bè đều vội vã chạy đến đỡ Tiểu Châu dậy. Mọi người đều vô cùng hoảng hốt khi thấy tay phải và chân phải của Tiểu Châu không thể cử động được, có dấu hiệu mắt khó mở, nói không ra tiếng và mất dần ý thức.
Xe cấp cứu có mặt ngay sau đó, Tiểu Châu được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, nửa thân bên phải gần như không có phản ứng. Bác sĩ chẩn đoán cậu bị nhồi máu não do tắc động mạch chủ, phải mổ sọ não khẩn cấp, nếu không sẽ có nguy cơ ra đi sẽ rất cao do phù não.
Bố mẹ cậu vừa khóc vừa ký vào giấy đồng ý phẫu thuật, không quên cầu xin bác sĩ cứu con mình khi biết tỷ lệ không qua khỏi của cuộc phẫu thuật là cao. May mắn là sau nhiều giờ nỗ lực, đội ngũ y bác sĩ đã phẫu thuật thành công.
Tưởng vậy là thoát khỏi nguy hiểm, nhưng cuộc đời không ai biết trước được điều gì, sau vài ngày nằm tại phòng chăm sóc tích cực (ICU), tình trạng của Tiểu Châu lại có chuyển biến xấu. Ngay lập tức, cậu được tiến hành phẫu thuật giải ép vạt xương 1 lần nữa để giảm áp lực nội sọ và bảo vệ mô não bên còn lại.
Cũng rất may là lần này ca phẫu thuật thành công hơn mong đợi, sau 4 ngày theo dõi sát sao tại ICU, Tiểu Châu được chuyển đến khoa thần kinh để điều trị và phục hồi chức năng chuyên biệt.
Thời điểm hiện tại, cậu đã có thể nói chuyện với mọi người 1 cách bình thường, chân phải và tay phải cũng đang dần lấy lại khả năng vận động và có thể thực hiện 1 số động tác đơn giản.
Bác sĩ điều trị cho Tiểu Châu cho biết: Điều tra bệnh sử và phân tích bệnh lý cho thấy, nguyên nhân sâu xa gây nhồi máu não của bệnh nhân là từ lối sống và sinh hoạt không lành mạnh: Uống nhiều nước ngọt có ga.
Mỗi ngày cậu đều uống ít nhất là 1 chai trên 350ml, và có ngày uống đến 3, 4 chai, uống thay cả nước lọc luôn mới sợ. Đặc biệt, thói quen này được Tiểu Châu duy trì trong nhiều năm trung học, thêm việc cậu lười vận động và không kiểm soát chế độ ăn uống nên dẫn đến béo phì, mỡ máu cao, đường trong máu cao.
Sau đó là bố mẹ của Tiểu Châu, họ vô cùng hối hận vì quá bận rộn và nuông chiều con nên gây ra hậu quả đáng tiếc như ngày hôm nay.
Sau khi sự việc diễn ra và được các bác sĩ giải thích bố mẹ Tiểu Châu hứa sẽ rèn luyện và giám sát con trai giảm cân, ăn uống lành mạnh và vận động nhiều hơn.
Nước ngọt có ga gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?
BS. Vũ Thanh - Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nước ngọt có ga không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em. Lượng đường mía, đường ngô, caffeine trong nước ngọt có ga đều không rõ hàm lượng, cùng với các chất tạo màu, tạo chua, tạo ga được thêm vào chính là tác nhân gây nên ảnh hưởng bất lợi của loại đồ uống này đối với cơ thể, gây nên các căn bệnh về thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày và đường ruột, đe dọa sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, dễ gây béo phì.
Khi bố mẹ cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dễ làm trẻ bị thiếu canxi, khiến cơ thể không có đủ canxi để tăng chiều cao. Trong khi đó, bề ngang lại phát phì vì các loại nước ngọt này có hàm lượng đường rất cao. Khiến bé không thể phát triển chiều cao được, lại gia tăng nguy cơ béo phì thừa cân.
Ngoài ra, cho trẻ uống nước ngọt có ga hàng ngày có thể khiến trẻ lười ăn, không chịu uống sữa hoặc ăn uống các bữa chính không đầy đủ, dẫn tới hiện tượng thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Journal of Pediatrics còn khẳng định các vấn đề về bạo lực, khả năng tập trung chú ý và hành vi cãi cọ đều liên quan đến việc sử dụng nước ngọt có ga ở trẻ em. Cụ thể rằng, những đứa trẻ uống hơn 4 lon nước ngọt/ngày dường như hay phá đồ đạc, tham gia đánh nhau và tấn công người khác gấp đôi so với những trẻ khác. Không những vậy, nước nọt có ga còn làm trẻ bị tăng các vấn đề về khă năng tập trung và các hành vi tự vẫn so với những trẻ không sử dụng nước ngọt.
Giải pháp giúp trẻ từ bỏ nước ngọt có ga
Theo bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, để cho trẻ không còn thèm đồ uống có ga, bố mẹ cần nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Bố mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, đa dạng về hương vị trong bữa ăn của trẻ. Có thể sử dụng nước ép trái cây, nước thảo mộc thơm ngon để tăng vị giác cho trẻ.
- Loại bỏ dần dần nước ngọt có ga ra khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ. Bố mẹ cần lưu ý tránh việc cấm không cho trẻ uống, vì rất dễ dẫn đến việc trẻ chống đối, lén uống khi không có sự giám sát của gia đình.
- Thay đổi lối sống sinh hoạt trong gia đình để trẻ học tập theo, không tích trữ các loại đồ uống có ga trong nhà, giúp lời nói đến con trẻ được thuyết phục hơn.
- Bố mẹ cần tăng cường các hoạt động thể chất cho trẻ ở ngoài giờ học, trên trường lớp cũng cần cho con tham gia thêm các hoạt động ngoại khoá. Bạn hãy chịu khó giao tiếp cùng con cái, lắng nghe chia sẻ của con từ đó dễ dàng chỉ bảo cho con hơn.
PN (Nguoiduatin.vn)