Ngó sen – Món quà của mùa thu là thuốc quý trong Đông y, cực tốt cho phụ nữ
Ngó sen là phần non nhất của cọng lá sen, nằm sát gốc của cây sen. Khi những lá sen non vừa mọc và nổi lên trên mặt nước, lá vẫn còn cuốn lại thành một vòng thì những người chuyên hái ngó sen sẽ dùng tay đưa dọc theo cọng lá sen xuống tới gốc sen, vừa rút nhẹ và vừa bẻ để lấy được hết phần ngon nhất của ngó.
Ngó sen có màu trắng sữa, giòn, sờ vào có cảm giác mát lạnh. Chúng ta vẫn thường dùng ngó sen để làm nộm, xào nấu, ngâm chua ngọt… nhưng rất ít người biết rằng loại thực phẩm này còn được sử dụng để làm thuốc trong Đông y.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, ngó sen được dùng với tên thuốc là liên ngẫu, có vị ngọt, hơi sít do chất nhựa, tính mát bình, không độc. Dược liệu để sống thì hàn, nấu chín thì ôn, có tác dụng cầm máu là chủ yếu, bổ huyết và điều kinh…
Dân gian có câu "Đàn ông không thể thiếu hẹ, đàn bà không thể thiếu ngó sen". Điều đó nói nên loại thực phẩm này cực tốt cho phụ nữ. Trong cuốn sách "Bản thảo kinh thư" nổi tiếng của Trung Quốc có viết rằng, ngó sen sống có vị ngọt mát, có thể thanh lọc máu, cầm máu, trừ nhiệt, làm sạch dạ dày, hỗ trợ tình trạng bệnh huyết ứ tắc, nôn ra máu, miệng hôi, chảy máu mũi miệng, xuất huyết sau sinh.
Theo quan điểm y học Trung Quốc, ngó sen là một giải pháp tốt nhất để thanh lọc chất độc trong cơ thể. Đầu năm mới, người Trung Quốc cũng thường ăn món canh thịt heo hầm ngó sen và rong biển biểu thị sự hòa hợp gia đình. Ở vùng Iwakuni của Nhật Bản, người ta thường xuyên mở các lớp dạy nấu ăn từ ngó sen cho phụ nữ. Ngó sen hay củ sen được người Nhật xem như một vật may mắn, họ cho rằng thông qua các lỗ rỗng của nó, chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng và triển vọng tương lai.
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, ngó sen chứa đến 70% tinh bột cùng nhiều khoáng chất, vitamin rất bổ dưỡng cho cơ thể như vitamin A, B, C. Đặc biệt, hàm lượng vitamin C cao tới 44 mg trên 100 g, nhiều hơn chanh và cam.Không chỉ là món ăn ngon, đem lại nhiều dinh dưỡng, ngó sen còn được sử dụng làm thuốc.
"Bật mí" một loạt bài thuốc chữa bệnh từ ngó sen, phụ nữ nên dùng nhiều vào mùa thu
Thực tế thì chúng ta có thể dùng ngó sen quanh năm nhưng vào mùa thu, ngó sen đến thời kỳ thu hoạch rộ vì lúc này ngó sen đã chín. Lương y Bùi Hồng Minh khuyên nên tận dụng để làm thực phẩm bổ dưỡng, đồng thời còn làm thuốc chữa bệnh. Hơn nữa, mùa thu và mùa đông là mùa chúng ta có xu hướng ăn nhiều thịt, dễ gây khó tiêu. Trong khi ngó sen có khả năng cải thiện miễn dịch, ngăn tích tụ cholesterol xấu trong cơ thể nên dùng làm thực phẩm giai đoạn này rất tốt. Một số bài thuốc chữa bệnh từ ngó sen, rất hay gặp vào mùa thu mà chúng ta nên áp dụng là:
- Chữa cảm cúm, trúng nóng, trúng nắng khát nước: Ngó sen tươi 100g, mật ong, hoặc mật mía 50g. Ngó sen giã dập rồi vắt lấy nước hòa 60g mật mía, trộn đều để uống trong ngày.
- Hỗ trợ điều trị ho lâu ngày, ho ra máu: Ngó sen 20g, lá trắc bá 20g, cỏ nhọ nồi 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, rửa sạch, cho vào ấm đổ 3 bát nước, đun nhỏ lửa còn 1 bát nước, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.
- Kinh nguyệt không đều: Ngó sen 20g, củ gấu 12g (rang cháy hết rễ và lông), phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với mật ong hoàn viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống hai lần, mỗi lần 50 viên với nước nóng.
- Biếng ăn: Lấy ngó sen tươi đem rửa sạch, chẻ mỏng rồi đem nấu cháo cùng gạo tẻ, nấu chín thật nhừ và ăn với đường lúc cháo còn âm ấm.
- Trị bệnh sốt xuất huyết: Ngó sen tươi, rau má (cùng 30g), và 20g mã đề đem sắc uống. Đây là kinh nghiệm dân gian được nhiều người áp dụng.
- Trị chảy máu cam do nóng: Ngó sen tươi 200g rửa sạch, giã lấy nước uống trong ngày; hoặc đem ngó sen cắt khúc nấu canh để ăn giúp thanh nhiệt cơ thể.
Chú ý: Ngó sen vốn sinh trưởng và phát triển trong bùn dưới đấy nước của các đầm, ao, hồ nên rất dễ nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm từ môi trường sống hàng ngày. Do đó khi chế biến cần hết sức cẩn thận, nên ngâm nước muối chanh, trần qua trước khi dùng. Bạn cũng không nên lạm dụng món ăn này. Ngó sen có tính hàn, nên hạn chế ăn, đặc biệt hạn chế cho trẻ em sử dụng, nhất là trẻ có tỳ vị không tốt.
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)