Mất mạng nếu ngâm chân không đúng cách
Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cho rằng, phương pháp ngâm chân nước ấm từ xưa đã được áp dụng vì làm kích thích các huyệt vị giúp lưu thông khí huyết, toàn cơ thể thư giãn thoải mái. Tuy nhiên không phải ai cũng làm đúng mặc dù nó rất đơn giản.
Bởi ở bàn chân tập trung nhiều huyệt vị quan trọng của cơ thể. Quan trọng nhất ở lòng bàn chân chính là huyệt dũng tuyền, tất niên. Đây là nơi chứa chân dương của thận. Nếu ngâm chân và mát xa các huyệt này thường rất tốt cho thận, vì nó kích thích huyệt vị, điều hòa tim mạch, huyết áp, ngừa cảm lạnh...
Vì vậy nếu ngâm chân sai cách sẽ phản tác dụng. Từng có một trường hợp ở Trung Quốc đã tử vong sau khi ngâm chân không đúng cách. Trường hợp này bị bệnh lý phình mạch máu não.
Nhiều bậc cha mẹ hiện nay cũng thường mách nhau cách ngâm chân nước gừng chữa ho và sổ mũi cho trẻ nhỏ trong những ngày lạnh. Tuy nhiên, phải cần thận trọng, đặc biệt là ở những trẻ dưới 1 tuổi. Gừng có tính ôn, nóng mà da trẻ nhỏ còn mỏng nên rất dễ bị bỏng. Hơn nữa, trẻ bị ho còn do nhiều nguyên nhân. Nếu trường hợp bị ho do virus, người bệnh không cần phải uống thuốc hay dùng biện pháp gì, chỉ sau vài 3 - 5 ngày cũng có thể tự khỏi.
Đồng quan điểm, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông Y quận Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng, việc ngâm chân với nước ấm là rất tốt nếu thực hiện đúng cách. Thời tiết lạnh khiến sự lưu thông máu đến cơ thể kém. Hơn nữa chân lạnh còn ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Việc ngâm chân nước ấm sẽ tốt cho lục phủ ngũ tạng, vừa ngâm vừa mát xa các huyệt dưới lòng bàn chân, ngón chân, mu bàn chân. Những người bị đau đầu, đau nửa đầu, mất ngủ, đau dây thần kinh tọa… ngâm rất tốt.
Khi ngâm chân nước nóng có thể cho thêm muối trắng hoặc nấu cùng gừng tươi, lá lốt… Các nguyên liệu này vừa dễ kiếm và có tác dụng tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn, chứng lạnh chân hay ra mồ hôi dùng lá lốt ngâm chân; Ngâm chân với gừng, xả giúp loại bỏ cảm; Tình trạng đau cơ bắp giảm nhanh chóng khi ngâm chân bằng muối…
Về nguy cơ đột tử khi ngâm chân, theo lương y Hồng Minh là có thể. Bệnh nhân đột ngột nhúng chân vào nhiệt độ nước quá cao trong khi cơ thể và thời tiết đang rất lạnh khiến sốc nhiệt, mạch máu chịu áp lực lớn trong thời gian ngắn dẫn tới phình vỡ… Nhiệt độ nước quá cao làm tăng nguy cơ bỏng, da bị tổn thương.
Những lưu ý không nên bỏ qua khi ngâm chân
Mặc dù ngâm chân tốt nhưng theo lương y Vũ Quốc Trung, không phải ai cũng ngâm chân. Ở một số người ngâm chân nước ấm không những không tốt mà còn có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Người bị viêm khớp dạng thấp không nên ngâm chân nước ấm vì làm bệnh nặng và đau hơn.
Người bị suy giãn tĩnh mạch: Khi ngâm chân với nước nóng sẽ làm cho tĩnh mạch suy giãn nhiều hơn, các triệu chứng bệnh như nhức mỏi, tê bì… sẽ nặng hơn. Nếu ngâm với nước lạnh thì lại tốt vì giúp cho mạch co lại. Trong quá trình ngâm nên thực hiện động tác giậm chân tại chỗ. Nếu bị đau, khó chịu có thể chườm ở chỗ đau bằng túi nước đá cũng đỡ đau hơn. Mọi người nên thực hiện ngâm khoảng 10 phút, ngâm từ phía dưới mắt cá chân trở xuống. Nhưng trong mùa đông không nên thực hiện vì dễ nhiễm lạnh, sổ mũi.
Đặc biệt là ở người bị đái tháo đường: Trường hợp này khi ngâm chân rất dễ bị bỏng. Đã có rất nhiều trường hợp "tháo chân" vì ngâm chân nước nóng bị bỏng, nhiễm trùng khi cho thêm những loại lá không rõ nguồn gốc vào. Nguyên nhân là vì những người bệnh đái tháo đường thường bị mất cảm giác ở bàn chân. Khi ngâm chân càng không được tự ý tăng độ nóng của nước theo cảm giác chân của mình mà cần phải có người thử nước trước hãy thực hiện.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người phụ nữ mang thai khi ngâm chân nước nóng với gừng cũng cần rất thận trọng. Bởi ngâm chân nước nóng với gừng có thể gây ra tình trạng ứ trệ ở chi gây sưng phù chân do máu không lưu thông về tim.
Ngâm chân đúng cách là mọi người nên ngâm trong nước vừa ấm, không quá nóng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ thích hợp để ngâm chân và cũng để an toàn là khoảng 40 độ C. Nước ngâm chỉ cần tới mắt cá chân là được. Thời gian ngâm chân thích hợp và tốt nhất là sau ăn khoảng 1 tiếng, chỉ ngâm chân trong khoảng 15-20 phút. Để đảm bảo an toàn, sau khi ngâm chân xong mọi người cũng lưu ý lau khô luôn chân, ủ ấm chân vào chăn để tránh lạnh.
Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)