Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, các mạch máu ở chân co lại, tốc độ và lưu lượng máu giảm đi đáng kể, nhiều người có có cảm giác buốt lạnh ở chân nên thường thích ngâm chân với nước ấm trước khi đi ngủ.
Wang Yangui, Phó trưởng Khoa y Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nhắc nhở, việc ngâm chân tưởng chừng như chuyện vặt vãnh, nhưng thực tế lại có nhiều hiểu lầm, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, người già và người mắc bệnh mãn tính nên cẩn thận.
Theo Jiankang, mới đây có trường hợp của ông Chu (70 tuổi) dùng thuốc bắc để ngâm chân hằng đêm. Thế nhưng không ngờ, sau 2 tuần, bàn chân và bắp chân của ông chuyển sang màu xám tím đen, lở loét. Người nhà thấy vậy liền đưa ông đến bệnh viện khám. Tại đây, bác sĩ nói rằng, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, chân có nổi mụn nước, thế nên khi ngâm chân trong nước ấm thường xuyên khiến mụn nước vỡ ra, gây loét da.
Hay một trường hợp khác phải kể đến cô Trần, cô là nhân viên văn phòng nên thường ngồi yên trong 7-8 tiếng mỗi ngày. Cách đây không lâu, cô được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch ở chân. Bác sĩ khuyên nên phẫu thuật để chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng cô sợ hãi và không chấp nhận. Cô Trần nghe hàng xóm khuyên nên mua một số thảo dược, nấu rồi ngâm chân để thúc đẩy tuần hoàn máu. Không ngờ 10 ngày sau đó, tình trạng suy giãn tĩnh mạch không thuyên giảm mà có dấu hiệu bắp chân trái sưng to, mắt cá chân mẩn đỏ, ngứa ngấy khó chịu. Khi đến bệnh viện khám, cô biết được nguyên nhân là do cách ngâm chân sai khiến cho bệnh trầm trọng hơn.
Đối tượng nào không nên ngâm chân bằng nước nóng?
Mặc dù ngâm chân trong nước ấm rất thoải mái nhưng không phải ai cũng thích hợp. Đối với người bình thường, nếu ngâm chân ở nhiệt độ thích hợp có thể làm giãn nở động mạch và tĩnh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu.
Bác sĩ Wang Yangui cho biết: "Khi bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch dùng nước nóng để ngâm chân, nhiệt độ của mắt cá chân sẽ tăng lên, làm tăng lưu lượng máu động mạch cục bộ nhưng không thể thay đổi tĩnh mạch. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng giãn nở của các mạch máu, gây ứ đọng và trào ngược máu tĩnh mạch, khiến bệnh trầm trọng hơn. Bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới không nên dùng nước nóng để làm ấm chân, đặc biệt tắm xông hơi, nhiệt độ nước không được quá 40 độ C".
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim, suy tim hoặc người huyết áp thấp, nếu ngâm chân nước quá nóng hoặc quá lâu sẽ khiến mạch máu trong cơ thể giãn nở, máu từ các cơ quan như tim và não sẽ dồn lên mặt gây hoa mắt, chóng mặt. Tình trạng thiếu máu cục bộ và thiếu oxy của các cơ quan quan trọng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Wang Yangui cho biết: "Một biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường là bệnh lý thần kinh ngoại biên, khiến người bệnh không thể cảm nhận nhiệt độ bên ngoài một cách bình thường, ngay cả khi nhiệt độ nước rất cao cũng không cảm nhận được và dễ bị bỏng. Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường có khả năng lành vết thương thấp hơn người bình thường, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng".
Những người bị lở loét hay phồng rộp da không nên ngâm chân, nếu không sẽ dễ gây nhiễm trùng vết thương. Những người bị viêm nhiễm, bệnh ngoài da, chấn thương, bỏng da không nên ngâm chân. Những bệnh nhân này có thể dùng nước ấm khi rửa chân, tuyệt đối không được dùng nước nóng để ngâm chân. Lưu ý, không ngâm chân với người khác để tránh nhiễm trùng và các vấn đề khác.
Những vấn đề cần chú ý khi ngâm chân
Bác sĩ Wang Yangui cho rằng, người bình thường khi ngâm chân nên chú ý những điều sau:
- Không ngâm chân quá lâu
Lưu thông máu ở bàn chân quá nhanh trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ tương đối ở các bộ phận khác trên cơ thể. Đặc biệt người cao tuổi có thể cảm thấy tức ngực, chóng mặt thậm chí là ngất xỉu do máu lên não không đủ. Nếu cảm thấy khó chịu khi ngâm chân thì nên dừng lại ngay.
- Nhiệt độ nước không được quá cao
Sự giãn nở quá mức của các mạch máu ở bàn chân khiến lượng máu trong cơ thể đổ về chi dưới nhiều hơn, có thể khiến máu cung cấp cho tim, não và thận không đủ. Nhiệt độ nước quá cao dễ làm hỏng lớp màng bã nhờn trên bề mặt da chân, khiến lớp sừng bị khô, thậm chí nứt nẻ.
- Không nên ngâm chân trong vòng 1 giờ sau bữa ăn
Vì phần lớn máu trong cơ thể đổ dồn về đường tiêu hóa sau khi ăn no, nếu bạn ngâm chân ngay lúc này, máu vốn cần đến hệ tiêu hóa sẽ dồn xuống chi dưới, từ đó làm giảm lượng máu cung cấp cho dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu.
- Trẻ em dưới 3 tuổi không nên ngâm chân
Vì vòm bàn chân bắt đầu hình thành từ khi còn nhỏ, nếu trẻ thường xuyên ngâm mình trong nước nóng, các dây chằng ở lòng bàn chân sẽ lỏng lẻo, không có lợi cho việc hình thành và duy trì vòm bàn chân, dễ dẫn đến bàn chân bị bẹt.
Bác sĩ Wang Yangui nhắc nhở rằng, cần chú ý một số chi tiết khi ngâm chân. Chẳng hạn như dùng xô gỗ có đáy sâu và rộng hơn để kê chân thoải mái, hoặc dùng dụng cụ ngâm chân massage hoàn toàn tự động, nên ngâm chân từ 9 đến 10 giờ tối là thời điểm lý tưởng nhất trước khi đi ngủ. Nhiệt độ nên duy trì 38-42 độ C, nước ngâm nên đổ ngập cổ chân, thời gian ngâm không quá lâu, 20 phút thích hợp, có thể kết hợp thêm xoa bóp hoặc chà xát bàn chân khi ngâm.
Theo Phan Hằng (Trí Thức Trẻ)