Cá là một loại thực phẩm lành mạnh, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin D, protein, axit béo omega-3. Đặc biệt hàm lượng axit béo omega-3 tuyệt vời trong cá rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, giúp thúc đẩy hoạt động của não và mắt. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần cung cấp đủ axit béo omega-3 để duy trì sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
Cá chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không phải bộ phận nào của cá cũng có lợi. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chia sẻ: Cá sống dưới nước, lại là sinh vật ăn tạp nên dễ bị nhiễm độc tố và các vi sinh vật. Nếu cơ thể tiêu thụ những chất độc tích tụ lâu ngày sẽ dễ hình thành bệnh tim mạch, dị ứng, suy gan, thận và bệnh về đường tiêu hóa. Cá càng sống lâu thì lượng độc tố tích tụ càng cao.
4 bộ phận của cá không nên ăn nhiều
1. Ruột cá
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN), ruột cá là bộ phận có thể gây hại cho sức khỏe người ăn. Vì vậy các bà nội trợ sau khi mua cá về nên sơ chế, loại bỏ nó trong quá trình làm cá.
Theo vị PGS, ruột cá là cơ quan chứa nhiều chất bẩn nhất. Môi trường sống của cá là dưới nước, do đó dễ bị nhiễm các loại độc tố, vi sinh vật hoặc ký sinh trùng có hại như trứng sán, trứng giun và giun xoắn. Ăn ruột cá sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng gây hại cho gan và nhiều cơ quan khác. Ngoài ra, cá là loài ăn cả động vật và thực vật. Những thức ăn độc hại đi qua miệng cá chẳng hạn như túi nilon, chất thải độc hại, xác chết… đều được lưu trữ hết trong ruột cá.
Tuy nhiên, ruột cá cũng có cái ngon, bởi ruột cá béo, ngậy. Vị PGS khuyên rằng nếu chị em vẫn muốn chế biến ruột cá thì cần cẩn trọng. Trước khi nấu, nên rửa thật sạch bằng muối. Và đặc biệt phải đảm bảo quy tắc ăn chín uống sôi.
2. Não cá kiếm, cá ngừ...
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết não cá nói chung là bộ phận có chứa hàm lượng lớn axit béo không bão hòa và chất phospholipid. Những chất này có lợi cho sức khỏe não bộ, giúp điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người già và tăng cường phát triển trí não ở trẻ em.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng não và mắt của các loại cá tầng đáy như cá kiếm, cá ngừ, cá vược, cá kình… có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng, trong đó có thủy ngân. Hàm lượng thủy ngân này có thể phá hủy hệ thống thần kinh của trẻ nhỏ, khiến trẻ càng ăn càng giảm sút trí tuệ.
3. Mật cá
PGS Thịnh cho biết, mật động vật nói chung và cá nói riêng đều không nên ăn. Đặc biệt mật cá cực kỳ độc, chúng có thể chứa tetrodotoxi – đây là tác nhân nguy hại đến sức khỏe thần kinh với biểu hiện mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi. Nhất là độc cá trắm, có những người nuốt mật cá có thể nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, tử vong ngay.
Bên cạnh đó, có những trường hợp sử dụng mật cá để ngâm rượu cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong nếu không được đưa vào bệnh viện kịp thời.
4. Lớp màng đen trong bụng cá
Lớp màng đen trong bụng cá chính là lớp phúc mạc của cá, đảm nhiệm vai trò bảo vệ cơ quan nội tạng và bôi trơn. Sở dĩ chúng có màu đen bởi đây là nơi chứa tế bào sắc tố của cá và có thể ăn được. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo trong lớp màng đen này rất cao, không có nhiều dinh dưỡng, lại chứa nhiều chất ô nhiễm hòa tan trong chất béo nên không có lợi cho sức khỏe nếu ăn quá nhiều.
Ăn cá như thế nào mới tốt?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thịt cá, gan cá và trứng cá là 3 bộ phận có thể ăn được, rất tốt cho sức khỏe.
Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy chúng ta nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần.
Khi đi mua, nên chọn cá tươi với đặc điểm là mang đỏ tươi, sờ mình cứng. Khi chặt cá thấy thớ thịt bên trong cứng, sờ vào thấy dinh dính. Cá tươi thường có mùi như nước sạch hoặc cảm giác hơi mặn. Mắt cá có màu sáng và trong, da hoặc vảy sáng bóng, lấp lánh như kim loại, trông rất sạch sẽ.
Ngược lại, cá ươn thường có màu gạch cũ, tỏa ra mùi khó chịu hoặc quá tanh. Sờ vào phần thịt bên trong thấy mềm nhũn, chảy nước. Mắt cá thường chuyển sang màu xám, vảy hoặc da cá có màu đục, thậm chí có những mảng bị biến đổi màu... như vậy thì không nên mua.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)