Suy gan, suy thận vì nấm linh chi
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân N.V.T. 61 tuổi, trú tại Hà Nội bị viêm gan B và suy thận nhẹ. Mấy tháng vừa qua, bệnh nhân được người nhà nấu nước linh chi cho uống và kết quả ngày càng bị vàng da kèm theo mệt mỏi, tiểu ít.
Khi có dấu hiệu vô niệu hoàn toàn bệnh nhân được người nhà cho đi cấp cứu, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị suy thận nặng, bị suy gan và phải điều trị tích cực, lọc máu ngoài cơ thể để các tạng phục hồi.
Nấm linh chi được xem là thần dược nhưng không phải trong trường hợp nào cũng được sử dụng được. Theo TS Nguyễn Cao Luận – nguyên trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bị suy thận nếu sử dụng thuốc không rõ ràng thì nguy cơ hại thận rất lớn nhất là trong các sản phẩm nấm linh chi, thuốc đông y có khả năng có nhiều chất bảo quản gây suy gan, suy thận.
Trường hợp của bà Đỗ Thị Chung – 46 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội bị ung thư đại tràng giai đoạn 2b. Khi bác sĩ nói bị ung thư, bà Chung vô cùng lo lắng. Được mọi người tư vấn ung thư không nên hóa chất, xạ trị vì có thể làm bệnh nặng, di căn nhanh hơn.
Bà Chung bỏ viện về nhà và mua nấm linh chi về sắc nước uống hàng ngày. Sau 4 tháng, bà Chung phải nhập viện gấp vì bị tắc ruột do khối u ở lòng đại tràng to choán hết lòng đại tràng gây nên tình trạng tắc ruột. Bà Chung đã phải phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và làm hậu môn nhân tạo. Các bác sĩ đáng tiếc cho trường hợp của bà Chung, nếu biết sớm bà có thể được điều trị phẫu thuật, hóa trị và khả năng không phải mang hậu môn nhân tạo và bệnh không sang giai đoạn muộn hơn.
Tác dụng của nấm linh chi chỉ là truyền miệng
Theo TS Nguyễn Triệu Vũ – trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa quận Thủ Đức, TP.HCM nấm linh chi hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư cũng như không có nghiên cứu nào chỉ ra khả năng tiêu diệt khối u của loại thảo dược này.
Các nghiên cứu hay công dụng của nấm linh chi vẫn chỉ là đồn đại và theo người này mách bảo người kia. Nấm linh chi cũng chỉ nên xem đó là loại thực phẩm chức năng bình thường và khi dùng cũng hết sức thận trọng không phải ai cũng dùng được.
Mặt khác, chất lượng nấm linh chi hiện nay rất "bát nháo" nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng, hàng bị bảo quản cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe người bệnh chứ chưa nói tới khả năng chữa bệnh.
Nói về công dụng của nấm linh chi, TS Phạm Việt Hoàng –nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tuệ Tĩnh nấm linh chi có tác dụng dược lý khá phong phú. Đây là loại thảo dược có nhiều tác dụng trong việc tăng cường sức khỏe, bổ trợ cơ thể. Các thành phần trong nấm linh chi có khả năng tiêu trừ các gốc tự do, trợ giúp men superoxide desmutase để khử độc tính của các gốc superoxide.
Nâng cao công năng lực miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là hệ thống miễn dịch tế bào, làm tăng sức đề kháng, chống lão hoá và kéo dài tuổi thọ. Cải thiện năng lực cung ứng ôxy của huyết dịch, hạ thấp lượng ôxy tiêu hao của tổ chức trong trạng thái nghỉ ngơi.
Làm giảm độ nhớt của máu, tăng sức co bóp cơ tim, tăng lưu lượng tuần hoàn động mạch vành tim và động mạch não, có tác dụng điều chỉnh nhịp tim và làm hạ huyết áp.Có tác dụng an thần, trấn tĩnh, giảm đau, làm giảm đường huyết và điều chỉnh rối loạn lipid máu.
Đối với điều trị ung thư, các chuyên gia cũng chỉ khuyến cáo rằng nên coi nấm linh chi là thực phẩm chức năng chứ không nên thần thánh hóa chức năng của nó.
Khi mua nấm linh chi, cần chọn nấm nguyên tán và nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay nấm linh chi rao bán nhan nhản với giá vài trăm nghìn đồng/kg thì chỉ là bã đã được hút hết các dược tá của loại này.
Một số người có bệnh lý nên tư vấn bác sĩ đông y trước khi sử dụng nấm để tránh biến chứng.
Một số người không được sử dụng nấm linh chi như người huyết áp thấp, hay bị hoa mắt, chóng mặt.
Theo A.Thư (Trí Thức Trẻ)