Bánh nướng, bánh dẻo là món ăn truyền thống ngon và hấp dẫn thường có mặt trong mâm cỗ trung thu của mọi nhà. Tuy nhiên đây là món ăn giàu năng lượng do vậy khi ăn cần phải lưu ý.
Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170g cung cấp 566 kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid.
Một chiếc bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò).
Một chiếc bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid.
Một chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid.
Trong khi đó, trung bình 1 bát cơm 100gr có chứa khoảng 130 kcal.
Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường, BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trên Dân Trí.
Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.
Phần lớn chất béo trong bánh từ thịt mỡ là loại chất béo no gây nhiều tác hại, chất béo lấy từ hạt dưa, hạt điều, vừng là có chút acid béo không no có lợi. Lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1 - 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò hoặc phở gà.
Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.
Các vitamin trong bánh không nhiều lắm, đồng thời qua chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.
Để ăn bánh không lo ngại tăng cân, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia lưu ý nên cắt nhỏ bánh, chỉ nên ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc 1/4 (200 kcal của miếng bánh) tương đương với một bữa ăn sáng.
Bên cạnh đó, khi đã ăn bánh trung thu, bạn nên giảm bớt các thực phẩm khác, đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng như: cơm, bánh mì, bún, phở… Ngoài ra, để giảm năng lượng trong bánh trung thu, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên loại bỏ mỡ do 1g chất béo cung cấp 9 kcal, ăn bánh càng có nhiều mỡ tổng năng lượng sẽ tăng.
“Bản thân tôi khi ăn bánh trung thu nhân thập cẩm cũng phải nhặt bỏ những miếng mỡ, mứt để giảm năng lượng đưa vào cơ thể”, PGS.TS Lâm nói. Dù bánh trung thu ngon hấp dẫn nhưng không nên ăn nhiều vì năng lượng cao và nhiều đường. Người bị đái tháo đường, thừa cân, béo phì cần lưu ý khi sử dụng.
Đối với nhóm đối tượng này nếu muốn ăn bánh nướng, bánh dẻo nên lựa chọn các sản phẩm dành cho người đái tháo đường và người cần ăn kiêng. Loại bánh trung thu này được làm với kích cỡ nhỏ và sử dụng đường ăn kiêng nên chỉ số đường và năng lượng rất thấp. Người đường máu cao vẫn có thể thưởng thức mà không lo ngại tăng đường huyết.
PGS.TS Lâm cho biết thêm đường trong bánh trung thu giúp kéo dài thời gian bảo quản bánh. Nhà sản xuất cần phải có ý thức sử dụng lượng đường ít nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Đứng ở góc độ của một người tiêu dùng cũng là một chuyên gia dinh dưỡng, để giảm ngọt khi thưởng thức bánh nướng hay bánh dẻo, PGS.TS Lâm thường ăn kèm với hoa quả có nhiều nước và chỉ số đường thấp.
“Khi ăn bánh trung thu, tôi thường ăn thêm quả dưa chuột. Cách ăn này giúp tôi giảm được ngọt trong bánh, cung cấp thêm chất xơ để không làm tăng đường máu”, PGS.TS Lâm cho hay.
Nhiều người Việt vẫn có thói quen uống nước trà nhâm nhi miếng bánh trung thu. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cách ăn này giúp tôn hương vị của bánh trung thu và cũng là cách giảm đi vị ngọt gắt trong bánh.
PN (Nguoiduatin.vn)