Ngày 18/3, Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam đã có buổi hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) về việc có nhiều bệnh nhân ngộ độc nặng đang cấp cứu, điều trị tại bệnh viện. Qua hội chẩn các bác sĩ đánh giá khả năng rất cao các bệnh nhân đã bị ngộ độc Botulinum.
Cùng ngày, Viện Pasteur Nha Trang có kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá chép muối chua mà các bệnh nhân đã ăn trước khi có triệu chứng, khẳng định do ngộ độc botulinum. Hiện các chuyên gia hàng đầu của BV Chợ Rẫy đã tới chi viện cho BV Đa khoa khu vực Quảng Nam. Kíp chuyên gia gồm 3 người mang theo 5 lọ thuốc giải độc của Bệnh viện Chợ Rẫy ra ứng cứu. Đây là các loại thuốc giải độc rất quý hiếm, giá khoảng 8.000 USD/lọ.
Hiện tổng cộng đã có 10 trường hợp bị ngộ độc botulinum, được các chuyên gia chia thành 3 chùm ca bệnh:
Chùm ca bệnh thứ nhất gồm 5 người cư ngụ tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngày 5/3, những người này đều bị đau bụng, nôn ói mệt và yếu dần tay chân. Triệu chứng xuất hiện sau ăn từ 12 đến 24 giờ. Bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Sau 3 ngày điều trị, một bệnh nhân nữ 40 tuổi tử vong do diễn tiến quá nặng. 4 bệnh nhân còn lại tạm ổn.
Chùm ca bệnh thứ hai là một bệnh nhân nữ 37 tuổi, ngụ tại xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chị ăn cá chép ủ chua ngày 14/3. Một ngày sau, chị nôn ói nhiều, yếu dần tay chân, nhập Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Ngày 16/3, bệnh nhân bị suy hô hấp, thở máy đến nay.
Chùm ca bệnh thứ ba là 4 người cùng gia đình, ngụ tại xã Phước Kiên, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngày 16/3, cả gia đình ăn cá chép ủ chua và nôn ói nhập viện vào ngày hôm sau. Ngày 18/3, hai bệnh nhân bị liệt tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy. Hai trường hợp còn lại (có bé trai 12 tuổi) yếu nhẹ tứ chi, tự thở được.
Cá chép muối ủ chua là loại thức ăn được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kính sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn, tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Sau ăn chưa đầy 24 giờ, người bệnh đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần. Những trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ, thở máy.
Thực tế, đây không phải lần đầu ghi nhận chùm ca bệnh ngộ độc do ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn này, trước đó năm 2020 rất nhiều người sử dụng pate Minh Chay cũng phải nhập viện do ngộ độc botulinum.
Theo bác Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.
Vì thế Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc. Đặc biệt những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng, nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.
Đồng thời, người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống sôi. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)