Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân Th. (28 tuổi) bị sốt vài ngày trước khi được đưa vào bệnh viện quận Hải Châu cấp cứu, sau đó được chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Th. bị nhiễm trùng máu và suy đa tạng do bị sốt xuất huyết trước đó.
“Đây là một biến chứng nặng của sốt xuất huyết với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh viện đã hội chẩn nhiều lần, tiến hành hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã tử vong sáng 2.9 vừa qua” – Bệnh viện Đà Nẵng cho hay.
Được biết, đến thời điểm này, tại thành phố Đà Nẵng ghi nhận gần 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngành y tế thành phố Đà Nẵng đã huy động tổng thể nhân lực khẩn trương phòng chống dịch, từ tích cực điều trị, kiểm soát số ca mắc ở các quận huyện, trung tâm y tế để ngăn chặn tình trạng lây lan dịch, phun thuốc xử lý các ổ dịch trên địa bàn có các ổ dịch tồn tại kéo dài nhiều tháng qua như huyện Hòa Vang, các quận Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ…
Tuy nhiên, một trong số nguyên nhân gây nên tình trạng sốt xuất huyết tăng cao là do ý thức của người dân trong việc phòng ngừa bệnh còn thấp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết nhiều khu vực dân cư còn để nước đọng, tạo điều kiện cho muỗi vằn (vật trung gian gây bệnh) phát triển, chưa hợp tác với các cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi,…
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu, hiệu quả vẫn là kiểm tra dụng cụ trữ nước, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống.
Trường hợp mắc bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không nên tự điều trị tại nhà.