Khoai tây
Trong khoai tây có chứa chất diệt trùng và chống nấm thiên nhiên tên là solanine và chaconine. Ở điều kiện bình thường hàm lượng chất solanine và chaconine trong củ khoai tây rất ít, trong 100gr khoai mới có 10mg nên không gây ngộ độc.
Khi khoai tây mọc mầm, hàm lượng chất này sẽ tăng cao, đủ khả năng gây ngộ độc cho con người nếu ăn phải. Nếu ăn hàm lượng ít, độc tố solanine và chaconine trong khoai tây có thể gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Nặng hơn, bạn có thể gặp một vài vấn đề nghiêm trọng đến thần kinh cũng như sự "khủng hoảng" lớn về đường tiêu hóa như mê sảng, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, hạ thân nhiệt, tê liệt, thở chậm...
Tinh bột khoai tây sống nếu ăn vào cũng có thể gây đau bụng, đầy hơi, chướng khí. Cách tốt nhất sử dụng khoai tây là không nên ăn sống, loại bỏ các củ khoai mọc mầm hoặc vỏ có màu xanh.
Sắn (khoai mì)
Mặc dù là món ăn ngon nhưng ít người biết rằng củ sắn có chứa độc tố. Trong sắn củ, lá sắn có chứa một lượng độc tố là acid cyanhydric (HCN) đáng kể. Hàm lượng HCN trong sắn rất khác nhau phụ thuộc vào giống sắn (sắn đắng, sắn cao sản chứa HCN cao hơn sắn ngọt).
Sắn cao sản có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước, loại cây thấp, cuống lá đỏ nhạt, ngọn non màu xanh nhạt, đốt dày, lá màu xanh lục. Loại củ sắn ngọt (mọi người vẫn thường ăn) có hàm lượng HCN ít hơn nhưng cũng có thể gây nguy hại nếu không chế biến đúng cách.
Tương tự như măng tươi, củ sắn (khoai mì) có chứa rất nhiều axit cyanhydric (HCN) - rất độc đối với cơ thể; ăn củ sắn dễ gây rối loạn tiêu hóa hay thậm chí là ngộ độc. Do đó, các bà bầu nên hạn chế ăn loại củ này.
Vì sắn có độc tố tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn sắn. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa và loại thải độc tố. Nếu cho trẻ ăn nhiều, các chất độc tố có thể tích tụ lại trong cơ thể trẻ lâu ngày và gây bệnh. Đặc biệt, càng không nên cho trẻ ăn sắn vào lúc đói vì có thể dẫn đến ngộ độc.
Để tránh ngộ độc, ta có thể loại bỏ độc tố từ củ sắn bằng cách:
- Bóc vỏ trước khi nấu, ngâm sắn trong nước một thời gian (1/2 đến 1 ngày) rồi mới nấu sắn tươi. Khi nấu mở nắp đậy để HCN bay hơi;
- Khi luộc sắn nên thay nước 2-3 lần để giảm bớt độc tố.
- Sắn cắt lát và phơi khô cũng làm giảm chất độc trong sắn.
- Những loại củ sắn ngọt, phải chế biến ngay sau khi dỡ sắn, nếu không thì phải vùi củ xuống.
- Ăn sắn nên chấm với đường hay mật để giảm nguy cơ ngộ độc.
Hạt điều
Trong hạt điều sống có chứa chất độc urushiol (là một chất gây hại có trong cây thường xuân). Khi ăn phải chất độc này, chúng ta có thể bị tiêu chảy, ngộ độc. Nghiêm trọng hơn, nếu lượng urushiol cao thì còn có thể gây tử vong.
Bởi vậy, nếu ăn phải hạt điều chưa chín hoàn toàn, thậm chí một số nơi còn để lẫn cả hạt điều sống, khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Những điều cần lưu ý khi ăn hạt điều:
- Chọn mua hạt điều của các thương hiệu, nhãn hiệu có uy tín. Các bạn cũng có thể tự chế biến hạt điều nhưng cần đảm bảo thời gian để hạt đủ chín.
- Không nên ăn quá nhiều vì hạt điều chứa khá nhiều chất béo.
- Người đang mắc bệnh suy thận chỉ nên ăn ít hoặc rất ít bởi hạt điều chứa nhiều kali, không tốt cho người bị suy thận.
- Người bị mất giọng, khàn tiếng không nên ăn hạt điều cho tới khi khỏi bệnh. Nguyên nhân là do hạt điều chứa nhiều chất béo, kích thích niêm mạc họng, sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Đậu đỏ:
Đậu đỏ - loại hạt tưởng chừng như vô hại lại mang trong mình độc tố khá nguy hiểm. Theo các khoa học gia, đậu đỏ chứa chất phytohaemagglutinin (còn gọi là chất lectin) – một loại độc tố mạnh.
Khi một người bị nhiễm độc lectin, triệu chứng đầu tiên sẽ là buồn nôn, theo sau là hiện tượng nôn mửa rất nghiêm trọng. Trong vòng một vài giờ sau, hiện tượng tiêu chảy sẽ tiếp tục hoành hành, kèm theo đó có thể là những cơn đau bụng dữ dội, thậm chí có thể gây chết người.
Để loại trừ độc tố này cần ngâm hạt ít nhất 30 -45 phút, sau đó đun sôi kỹ trong nước ít nhất 10 phút. Nếu nấu với nồi áp suất ninh chừng 15 – 20 phút. Không nên nấu đậu ở nhiệt độ thấp và thời gian kéo dài vì không thể phá hủy hết chất độc.
Trứng:
Trứng sống có chứa nhiều khuẩn salmonella, gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là lòng đỏ. Người bị ngộ độc trứng có thể bị chuột rút, tiêu chảy và sốt cao.
Với phụ nữ mang thai: Salmonella có thể gây co thắt tử cung, dẫn đến sinh non. Người trên 65 tuổi thường có nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn khi ăn trứng sống. Người bị bệnh tiểu đường, nhiễm HIV và các khối u ác tính không nên ăn trứng sống. Không nên ăn trứng sống còn bởi ăn trứng sống sẽ không thể hấp thụ được hết protein trong trứng.
Những người bị ngộ độc khi ăn trứng sống có các dấu hiệu như chán ăn, nôn mửa, viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm quanh móng. Ngoài ra, nếu ăn trứng quá nhiều sẽ gây vàng máu, vàng gan.
Theo PV (Truyền hình VNN)