Đó là thông tin được GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Tim mạch được Bệnh viện FV phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 26/11 ở TPHCM.
Bệnh lý tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong cộng đồng. Một trong những diễn tiến nặng nề nhất của các bệnh lý tim mạch là tình trạng suy tim. Ước tính, mỗi năm trên cả nước có khoảng 300.000 người tử vong vì suy tim, số bệnh nhân bị suy tim và tử vong được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, những phương pháp của y học hiện nay chỉ có thể làm giảm triệu chứng, kéo dài sự sống của người bệnh, chưa thể điều trị dứt điểm được tình trạng suy tim.
Người bệnh bị suy tim chỉ có giải pháp cứu cánh duy nhất là thực hiện phẫu thuật ghép tim. Tuy nhiên, số lượng tim hiến từ người cho chết não tại Việt Nam đến nay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặt khác, chi phí để thực hiện cuộc ghép rất tốn kém, nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật cũng là thách thức người bệnh phải đối mặt.
Theo GS Đặng Vạn Phước, bệnh tim mạch luôn có yếu tố nguy cơ từ di truyền, chủng tộc, tuổi cao. Đặc biệt vòng xoắn bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ trong máu, lười vận động, lạm dụng rượu bia trong cộng đồng hiện nay đang là nguy cơ rất lớn của bệnh lý tim mạch. Người càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch càng lớn, khi bệnh nền diễn tiến nặng sẽ dẫn tới biến chứng suy tim kèm theo suy gan, suy thận”.
Nhấn mạnh việc phòng bệnh là phương án rẻ tiền nhất nhưng hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh lý tim mạch và suy tim, GS Đặng Vạn Phước nói: “Trong y khoa, việc chữa một loại bệnh đã phát ra là chuyện thường, chữa bệnh sắp phát ra là mức cao hơn nhưng chữa bệnh chưa phát ra mới thực sự giỏi. Đây đang là xu hướng của thế giới với mũi nhọn là y học phòng ngừa. Để tránh bệnh lý tim mạch dẫn tới suy tim, cộng đồng cần có chế độ ăn uống, vận động hợp lý, khoa học để tránh nguy cơ mắc bệnh. Khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ phải tuân thủ điều trị để ngăn chặn biến chứng”.
Theo Vân Sơn (Tiền Phong)