Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ. Ngày 23/1 sau khi ăn miếng mít, ông nghẹn thở, được đưa vào bệnh viện tại Bình Chánh cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Tiến sĩ Trần Văn Thi, Trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp nặng, phải bóp bóng nội khí quản. Bệnh nhân được chụp MSCT ngực, phát hiện dị vật nằm trong phế quản. Bác sĩ nội soi lấy dị vật ra cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Vĩnh Khang, người trực tiếp thực hiện nội soi cho biết miếng mít nằm bít lòng phế quản của bệnh nhân. Người bệnh lại đang suy hô hấp, thể trạng suy kiệt nên bác sĩ phải kết hợp vừa gắp vừa hút trong 45 phút mới lấy được dị vật ra ngoài.
Ngày 25/1 bệnh nhân vẫn còn rối loạn tri giác do tai biến cũ nên lơ mơ nhưng mức oxy máu đã cải thiện hơn. "Trường hợp này nếu để lâu thêm, dị vật mềm nhão rơi sâu xuống thì khó có thể gắp ra được", bác sĩ Khang phân tích.
Bác sĩ khuyến cáo dị vật đường thở khá thường gặp, đặc biệt ở người bị rối loạn tri giác, say rượu, bệnh nhân tai biến... Tùy vào kích thước, tính chất của dị vật có thể gây nhiều biến chứng khác nhau. Một số dị vật để lâu sẽ thoái biến, mềm nhão, không thể lấy được hết dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, tắc đường dẫn khí nhỏ, tình trạng viêm phổi tái phát nhiều lần...
Theo bác sĩ Thi, bệnh nhân tai biến, phản xạ nuốt kém cần được chăm sóc ăn uống đúng cách. Thức ăn cần cắt nhỏ, làm mềm, tốt nhất là thức ăn dạng loãng để phòng tránh các tình huống sặc nguy hiểm.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)