Mì gói tiện lợi, nên được nhiều người lựa chọn làm bữa ăn nhanh. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều thông tin trái chiều, cho rằng mì gói gây ung thư.
Bất kỳ thực phẩm nào cũng chứa chất có lợi và không có lợi cho sức khỏe. Ngay cả những thực phẩm quen thuộc nhất, được sử dụng hàng ngày (thịt đỏ, dầu thực vật…), nếu tiêu thụ quá mức hoặc chế biến sai cách đều có thể gây hại sức khỏe.
Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa chất phụ gia. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần phân biệt các loại phụ gia được cơ quan chức năng cho phép, giới hạn hàm lượng rất nhỏ để không gây hại sức khỏe.
Mỗi loại phụ gia được nhà sản xuất lựa chọn với mục đích khác nhau, như dùng để bảo quản, tạo hương vị… cho món ăn. Nếu sử dụng đúng liều lượng quy định, cơ thể sẽ chuyển hóa và đào thải chúng ra ngoài mà không gây biến đổi DNA, phá vỡ cấu trúc tế bào, tăng sinh tế bào bất thường… hay ung thư.
Nhiều người cho rằng mì gói gây ung thư, do chứa nhiều transfat - loại chất béo chuyển hóa không tốt cho sức khỏe. Trong ngành chế biến thực phẩm, transfat được tạo ra bằng cách thêm các nguyên tử hydro vào dầu thực vật, hoặc xử lý dầu thực vật ở nhiệt độ cao. Mục đích nhằm cải thiện cấu trúc, tăng thời gian bảo quản và tạo hương vị thơm ngon.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, chỉ tiêu thụ trans fat dưới 1% lượng calo cần thiết mỗi bữa ăn. Nếu nhu cầu năng lượng của người trưởng thành là 2.000 kcal mỗi ngày, thì trans fat nên dưới 20kcal (khoảng 2gram).
Từ năm 2006, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng bắt đầu yêu cầu các hãng thực phẩm công bố lượng trans fat trên bao bì cho người tiêu dùng biết. FDA cũng quy định, nếu sản phẩm chứa dưới 0,5gram trans fat trong mỗi khẩu phần ăn, thì được phép công bố "0 gram trans fat" trên bao bì.
Với quy trình sản xuất hiện đại ngày nay, các nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng transfat trong nguồn nguyên liệu dầu đầu vào, đồng thời giám sát chặt chẽ quy trình chiên mì, cũng như chất lượng dầu chiên đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm mì gói được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn thực phẩm.
Hiện chưa có nghiên cứu quy mô nào khẳng định mì gói gây ung thư. Tuy nhiên, để biến mì gói thành ăn giàu dinh dưỡng và ngon miệng hơn, người tiêu dùng nên bổ sung thêm rau củ, hải sản, thịt, cá, trứng… khi chế biến và sử dụng mì ăn liền.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Theo VnExpress.net