Có thâm niên ăn Tết ở quê chồng đã 6 năm, Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) đã kinh qua mọi nỗi vất vả của nàng dâu một mình gánh vác việc lo Tết. Và càng đến những ngày cận kề Tết nguyên đán này, cô càng thấy chán nản.
Sinh ra tại Hà Nội, bố mẹ đều là giảng viên một trường đại học, Ngân được cưng chiều từ nhỏ. Không ai ngờ, khi trưởng thành, cô lại đem lòng yêu rồi lấy một anh chồng kỹ sư quê mãi tận Anh Sơn – vùng đất nổi tiếng là nghèo của tỉnh Nghệ An. Yêu và phục cái tài của chàng kỹ sư xây dựng, Ngân bỏ qua tất cả sự phản đối của gia đình về khác biệt vùng miền, xa cách địa lý để lấy anh. Cuộc sống không dư dả nhưng khá hạnh phúc, Ngân không có gì phàn nàn. Duy nhất chuyện bắt buộc phải về quê chồng ăn Tết hàng năm là nỗi sợ hãi và mệt mỏi của cô.
Mẹ chồng Ngân đã già không còn sức đụng tay vào những việc nặng nhọc nhưng vẫn hăng hái nghề sai vặt và điều khiển từ xa. Trong khi đó, chồng Ngân là con trai cả và duy nhất, được coi là thành đạt nhất nhà, sau anh là 2 cô em gái. Ngân không biết chạy đâu cho thoát trách nhiệm cao quý của một nàng dâu cả.
Ngân tâm sự: "Ngay từ khi yêu và lấy chồng, mình đã xác định năm nào cũng phải về quê ăn Tết nhà chồng cho vui rồi. Thế nhưng có trải qua thực tế 5 cái Tết, mình thấy quá hãi và muốn ăn Tết Hà Nội quá".
Lý do khiến Ngân không muốn về quê chồng ăn Tết bởi suốt những ngày ở quê, bố mẹ chồng không gần gũi và tâm lý với con dâu, ngày nào ông bà cũng ăn cơm từ 5 giờ chiều, 8 giờ tối đã đi ngủ và 4 giờ sáng đã dậy.
Năm ngoái, vợ chồng Ngân về quê từ 25 Tết và mùng 5 mới ra Hà Nội. 11 ngày đó, một mình Ngân lo chợ búa, nấu nướng cho gần 10 người ăn chưa kể chăm sóc con gái 4 tuổi. May là Ngân làm giáo viên trường cao đẳng, được nghỉ sớm, không phải đảm nhiệm nhiều việc nên cô không bị áp lực về công việc chứ không sức cô không chịu nổi.
"Mình chán và mệt nhất là bố mẹ chồng lúc nào cũng bênh con trai chằm chặp dù rằng anh đi chơi bài với bạn bè, hàng xóm xuyên đêm. Suốt hơn chục ngày ấy, trong khi chồng thường xuyên đi ăn, nhậu nhẹt, chơi bài, đa số là bị thua thì vợ ở nhà phải lo cơm nước. Ăn 5 cái Tết ở nhà chồng mà chưa năm nào mình cảm thấy vui vẻ thực sự. Trời lạnh rét căm căm, mình cũng phải dậy từ năm giờ sáng để nấu cỗ cho kịp giờ cúng, cúng xong thì mọi người kéo đến ăn, ăn xong thì lại kéo nhau đi chúc tết, để lại mình rửa dọn. Vừa rửa dọn xong lại quay ra chuẩn bị cơm để cúng buổi trưa, rồi lại ăn trưa, lại chuẩn bị cơm cúng tối. Có Tết mình mang bầu 6 tháng vẫn phải luôn chân luôn tay nấu ăn, sau đó lại rửa bát khiến mình vô cùng tủi thân, cảm thấy ân hận là đã lấy chồng xa như thế này" – Ngân tâm sự.
Đấy là chưa kể, về quê chồng Ngân trăm thứ bất tiện. Nào là khoản vệ sinh, tắm giặt cho con rồi tiếp đến là khoản tiền mừng tuổi. Ông già bà lão, trẻ nhỏ, trẻ nhỡ, ai ai vợ chồng Ngân cũng đều phải lì xì. Trong khi đó, con của Ngân không mấy khi được mừng tuổi lại và thay vì 50 nghìn hay 100 nghìn như cô vẫn lì xì thì họ chỉ mừng tuổi lại 20 nghìn, ai rộng rãi lắm thì 50 nghìn. Bố mẹ chồng Ngân bảo vợ chồng cô từ Hà Nội về, không thể úi xùi được.
Riêng với Tết năm nay, Ngân xác định vẫn phải về quê chồng. Nhưng cô dự định đến hết ngày 28 âm lịch thì mới thu xếp về nhà chồng ăn Tết được, mùng 4 ra Hà Nội. Tuy nhiên, vừa thấy Ngân đề xuất vậy, chồng cô đã gạt phắt đi: "Mình cúng ông Công ông Táo xong là về quê luôn, ở lại Hà Nội làm gì. Bố mẹ già rồi, năm gặp con cháu có 2-3 lần, chỉ có dịp tết là sum vầy. Về cho Bông biết mặt họ hàng, kẻo rồi sau này mất gốc chả biết ai vào với ai…".
Đợi chồng lắng cơn giận, Ngân mới thủ thỉ với anh, bố cô vừa bị đột quỵ, sức khỏe yếu nhiều so với năm trước, trong khi nhà có mỗi mình Ngân, vậy 26 Tết về rồi mùng 2 ra Hà Nội. Vậy nhưng chồng Ngân viện cớ rằng bố mẹ cô ở ngay Hà Nội, thường ngày gặp bố mẹ nhiều rồi, thôi thì tết để dành cho quê chồng. Nghe vậy, Ngân ấm ức và vô cùng buồn bởi vì tiếng là cùng ở Hà Nội thật đấy, nhưng cả tuần, có khi vài tuần cô mới về chơi với bố mẹ lấy một buổi.
Càng nghĩ Ngân càng cảm thấy chồng mình ích kỷ, không thương vợ. Tại sao lại trọng bên nội, khinh bên ngoại thế chứ?
Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)