Sống bên người chồng lúc nào cũng phân biệt, đối xử không công bằng giữa đôi bên nội ngoại, chẳng người vợ nào có thể cảm thấy hạnh phúc. .
Cùng mang tâm trạng thất vọng khi phải làm vợ 1 người chồng vô tâm, sống thiếu công bằng như vậy, mới đây một người phụ nữ đã vào diễn đàn chung của hội chị em tâm sự: "Người ta cứ bảo 5 năm đầu hôn nhân nhiều sóng gió nhất, vượt qua rồi là vợ chồng sẽ hòa hợp, hiểu nhau hơn để gắn bó. Thế mà em cưới 7 năm rồi vẫn thấy 'ngột ngạt' với chồng. Thật sự nhiều lúc nghĩ nếu không phải vì con chắc em cũng rũ lão ấy lâu rồi cho rảnh thân, khỏi suy nghĩ.
Là đàn ông nhưng chồng em sống tính toán lắm. Nói chung anh ấy thuộc diện chỉ thích nhận chứ không muốn cho đi. Nhất là với gia đình nhà vợ, được bố mẹ em tạo điều kiện cho rất nhiều nhưng anh coi đó là trách nhiệm của họ kiểu như bố mẹ vợ cho thì anh nhận chứ anh không xin nên không cần phải cần tỏ thái độ biết ơn. Mỗi lần nhà ngoại có việc gọi được con rể sang còn khó hơn cả mời người ngoài.
Bố mẹ em biết con rể khó tính nên cũng hạn chế không cho con gái về nhiều. Mỗi khi thấy em đưa con về chơi, ông bà lại hỏi: 'Thế đã xin phép nhà chồng chưa?'. Rồi ông bà mau mải nấu nướng cho con cháu ăn, xong rồi thì đùm dúm, gói ghém giục em mang về sớm, không được ở lại lâu sợ nhà chồng kêu ca.
Cuối tháng trước mẹ em bị cảm phải nằm viện gần chục ngày. Sốt ruột em cứ chạy ra chạy vào viện chăm nom, săn sóc bà cùng anh trai chị dâu. Biết tình hình mẹ vợ ốm như thế, chồng em tuyệt đối không hỏi han nửa lời. Đã vậy, hôm thứ 3 sau khi bố em nhập viện, mọi người thức đêm đều mệt, em về bảo chồng vào chăm đỡ ông 1, 2 đêm thay anh trai, chị dâu. Ai ngờ chồng em đáp: 'Bố mẹ em ốm, anh em nhà em phải có nghĩa vụ chăm sao lại gọi tới anh? Anh chẳng qua chỉ là rể, làm gì phải có trách nhiệm, nghĩa vụ phục vụ họ'.
Ôi, nghe chồng nói, em nản hẳn các chị ạ. Thật sự quá thất vọng về chồng, bức xúc em đỏ mặt, gằn giọng: 'Anh chỉ là rể, không có phận sự chăm sóc bố mẹ vợ à? Vậy sao lúc bố mẹ tôi gọi về chia tài sản, đất cát anh không nói câu ấy, không nhận tài sản bố mẹ em cho. Đằng này bố mẹ cho anh trai, chị dâu tôi gì cũng cho vợ chồng mình y như thế, không để mình thua kém, thiệt thòi tí nào. Khi ấy anh nhận vui vẻ, đắc ý thế mà không nghĩ tới bổn phận trách nhiệm gì. Nên nhớ, anh cũng có con gái, sau này rồi cũng có con rể. Sau này con rể anh đối xử với anh như thế liệu anh có đau lòng không?'.
Hôm ấy ức quá, em nói một thôi một hồi, chồng em cắm tăm không đỡ được câu nào vì biết em nói không hề sai. Tới tối muộn, thấy em dắt xe, chuẩn bị cháo mang vào cho bố, anh mới chạy ra bảo: 'Thôi vợ ở nhà nghỉ đêm nay đi, để anh vào chăm mẹ thay mọi người'.
Miệng nói, tay anh ấy giành cạp lồng cháo trên tay vợ rồi lên xe đi vội kiểu như sợ vợ vẫn dằn dỗi, không cho đi. Em nhìn mà nửa bực nửa buồn cười. Đấy, đàn ông nhiều khi vô tâm, ích kỷ thế đó các chị ạ. Mình làm vợ cũng phải cứng lên chứ không các lão ấy còn bắt nạt, coi mình không ra gì đâu".
Phụ nữ hạnh phúc nhất là lấy được người chồng tâm đầu ý hợp, hiểu lòng họ thật sự muốn gì. Có người đàn ông như vậy ở bên thì dù phải sống trong cảnh nghèo khó, vất vả họ vẫn cảm thấy mãn nguyện, không bao giờ oán than. Thật tiếc người chồng trong câu chuyện trên lại không đủ tinh tế, tâm lý mà hiểu nỗi lòng của vợ. Cách hành xử thiếu công bằng của anh với nhà ngoại khiến vợ bức xúc là điều ai cũng có thể hiểu. Mong rằng sau chuyện lần này anh sẽ thay đổi bản thân để vợ anh không phải buồn lòng vì chồng nữa.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)