Mới đầy, một bà mẹ Thái Lan đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân sau khi con bị viêm phổi nghi ngờ do một thói quen khi ngủ nhiều người vẫn hay làm cho con.
Theo người mẹ thì con của cô bình thường rất khỏe mạnh, không mắc bệnh tật. Tuy nhiên gần đây đứa trẻ bắt đầu có các triệu chứng như cảm lạnh, sốt. Sau đó, cô đã đưa con đi khám bác sĩ và được chẩn đoán bị sốt nên kê đơn thuốc cho về. Tuy nhiên, 2 ngày sau, cơn sốt vẫn không dứt mà ngược lại tình trạng nghiêm trọng hơn nên bà mẹ vội vàng đưa con vào viện.
Sau 3 ngày nhập viện, kết quả xét nghiệm cuối cùng cho thấy đứa trẻ bị viêm phổi. Nhờ kịp thời điều trị nên bệnh tình của bệnh nhi cũng thuyên giảm, bác sĩ khuyên người mẹ nên cho con nghỉ ngơi thêm 3 ngày.
Tuy nhiên điều khiến nhiều người thắc mắc là tại sao đứa trẻ lại bị viêm phổi. Theo lời người mẹ thì buổi tối, cô thường có thói quen bật quạt cho con ngủ, nghĩ rằng điều này đã gây bệnh cho con nên cô rất hối hận. Bác sĩ cảnh báo các bậc phụ huynh khi bật quạt cho trẻ ngủ không nên cởi quần áo của con và cũng không nên bật quạt quá mạnh. Tuy nhiên liệu việc bật quạt có thật sự là nguyên nhân gây viêm phổi?
Bật quạt khi ngủ có thể gây viêm phổi hay không?
Nhiều bậc cha mẹ thường tin rằng ngủ dưới quạt có thể dẫn đến cảm cúm hoặc cảm lạnh. Tiến sĩ Anay Bhalerao, một bác sĩ khoa Nhi tại Thái Lan đã cho biết việc ngủ dưới quạt thường xuyên có thể gây nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, ít có khả năng gây cảm lạnh.
Bởi cảm lạnh thông thường là do virus trong không khí. Chảy nước mũi không phải là dấu hiệu cho thấy trẻ bị cảm lạnh. Trong thực tế, việc bị sổ mũi cũng có thể được gây ra bởi một phản ứng dị ứng đối với bụi ngoài đường hoặc trong phòng.
Bác sĩ Anay cũng khẳng định việc ngủ mà bật quạt thường xuyên không có khả năng gây viêm phổi.
Chất lượng không khí kém, nhiều bụi bẩn có thể khiến em bé bị chảy nước mũi. Qúa trình kưu thông không khí từ quạt chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng, nhưng không gây viêm phổi.
Viêm phổi và cúm là do các mầm bệnh gây ra. Những tác nhân gây bệnh này lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bệnh. Với những đứa trẻ có hệ miễn dịch kém khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh này sẽ dễ phát triển bệnh cúm hoặc viêm phổi.
Bác sĩ Anay cũng khuyến cáo cha mẹ nên thực hành vệ sinh cơ bản nếu bé bị sổ mũi, như dọn phòng, đảm bảo thông thoáng, và rửa tay trước và sau khi làm sạch mũi cho trẻ. Nếu trẻ bị sổ mũi kèm sốt, cha mẹ nên đưa con đi khám.
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở phổi. Nhiều vi trùng bao gồm vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng có thể gây viêm phổi.
Mặc dù bệnh thường gặp ở trẻ em, nhưng nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng ở người lớn. Những người có hệ miễn dịch yếu hay đang gặp phải các vấn đề sức khỏe có thể bị biến chứng nghiêm trọng, như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết và thậm chí tử vong.
Viêm phổi có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Khó thở;
- Sốt nhẹ từ 38,5 độ C trở xuống;
- Cảm giác khó chịu chung, mệt mỏi;
- Các triệu chứng tương tự cúm hoặc cảm lạnh, như đau họng, ớn lạnh hoặc run rẩy, đau đầu;
- Ho dai dẳng, đôi khi có dịch nhầy;
- Thở nhanh với âm thanh thở khò khè;
- Cảm thấy đau ở dạ dày và ngực;
- Nôn mửa;
- Ăn kém (ở trẻ sơ sinh) và giảm sự thèm ăn (ở trẻ lớn hơn).
Các triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể khác nhau tùy từng bệnh nhân. Nhiễm trùng ở giữa hoặc trên có thể gây khó thở; nhiễm trùng ở phần dưới có thể gây nôn, buồn nôn hoặc đau bụng.
Phòng ngừa viêm phổi
- Rửa tay thường xuyên và chính xác (theo quy tắc 20 giây)
- Không dùng chung đồ dùng với người bệnh;
- Tiêm chủng phòng bệnh;
- Tăng cường hệ miễn dịch của trẻ bằng cách cho trẻ ngủ đủ giấc, tập thể dục đầy đủ và có chế độ ăn uống lành mạnh;
- Khuyến khích trẻ hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy và rửa tay sau đó;
- Mang khẩu trang khi bị ho hoặc cảm lạnh thông thường;
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để tăng cường hệ miễn dịch.
Theo Hoàng Dương (Khampha.vn)