Vợ chồng Thúy cưới nhau 5 năm giờ mới sinh con đầu lòng. Cô bàn với chồng sẽ 'kế hoạch' đến khi mua được nhà, có chút tiền tiết kiệm thì mới sinh con để đảm bảo cuộc sống. Bố mẹ chồng sốt ruột vì mãi không có cháu bế bồng nên nhiều khi cũng thái độ khó chịu ra mặt. Nhiều khi bà còn hỏi thẳng con dâu: “Con có vấn đề gì hay cố tình không sinh con thì phải nói ra cho mẹ còn biết mà tính đường cho con trai mẹ?”.
Thúy cố giải thích thì mẹ chồng lại càng xua đi, bà bảo: “Con chỉ giỏi lý do, mẹ đẻ liền 3 đứa con trai mà vẫn lớn như thổi” khiến cô cảm thấy bế tắc vô cùng. Thúy bảo cô sợ nhất là mẹ chồng luôn mang chuyện thời trước để so sánh với thời nay, trong khi 2 thời khác xa nhau.
Thúy chia sẻ cô sợ lắm cảnh sống chung với mẹ chồng. Bà ở quê, cách ăn uống, suy nghĩ và việc làm luôn khác hẳn với cô. Giờ sinh con đầu lòng, bà mong cháu, Thúy lại chưa có kinh nghiệm chăm con nên đành phải nhờ mẹ chồng xuống chăm sóc tháng đầu ở cữ. Mặc dù cô đã cố gắng đặt mình vào vị trí của mẹ chồng để cư xử theo đúng ý bà nhưng vẫn không thể dung hòa được mối quan hệ “mẹ chồng, nàng dâu”.
Thúy kể mẹ chồng cô không biết đi xe máy, đường xá Hà Nội bà cũng không thạo nên cô bảo chồng đi siêu thị tuần một lần mua đủ thực phẩm cho cả nhà. Mẹ mới ở được một tuần đã sốt ruột kêu vợ chồng cô chi tiêu hoang phí. Bà bảo bấy nhiêu tiền ở quê phải tiêu được 2 tháng.
Mỗi lần mẹ chồng thấy cô kì cạch vắt sữa, trữ đông rồi lại rã đông cho cháu bú là bà hỏi: “Sao lắm chuyện thế con, cái máy kia mua bao nhiêu tiền, phí tiền quá mà chẳng tác dụng gì”.
Thúy nhỏ nhẹ đáp: “Con cũng không muốn mất công thế này đâu mẹ nhưng phải dùng máy vắt vừa để kích sữa, vừa cho cháu tập làm quen bú bình để nếu con có việc ra ngoài hay sau đi làm thì dễ hơn cho bà chăm cháu”.
Thúy kiên nhẫn giải thích từng chút để mẹ chồng hiểu nhưng bà chỉ “úi xùi” cho qua. Biết tính mẹ chồng nên mua bán gì cô cũng dặn chồng phải nói giảm đi nửa giá. Con dâu ở cữ mà mua gì ăn bà cũng hỏi bao nhiêu tiền. Đến bữa hỏi bà muốn ăn gì để nấu thì cái gì bà cũng lắc đầu, bảo không thích nhưng Thúy hiểu, thực chất là mẹ chồng sợ tốn kém.
Thúy bảo mọi chi tiêu trong nhà cô đều tính toán hợp lý và có thể đảm bảo được nhưng mẹ chồng cô lại không hiểu. Bà không bao giờ cho quần áo vào máy giặt vì tốn điện, không đóng bỉm cho cháu mà dùng tã, tối ngủ bà cũng không cho bật điều hòa vì bảo "say"… Sau nhiều lần góp ý nhưng mẹ chồng không hiểu nên Thúy quyết định làm ra một bài toán rồi phân tích đến từng chân tơ kẽ tóc với bà.
Cô lựa trong bữa ăn có cả chồng ở nhà mới nói: “Mẹ ơi, mẹ phải ăn thì mới có sức khỏe. Gì chứ vấn đề ăn uống là con không tiếc, ăn mới có sức để làm, chứ giờ mà ốm một cái là phải đi viện, mà vào viện là tốn kém thế nào chắc mẹ cũng hiểu rồi.
Thêm nữa, nhà có máy giặt thì mẹ cứ cho đồ vào đó, giặt từ 3-5 lần mới hết một số điện, chứ mẹ cứ giặt tay thì tốn nước phải gấp đôi, tính lại thì cũng quá tội mà lại khổ thân mẹ ạ. Còn việc cho cháu uống sữa ngoài và đóng bỉm thì con thấy hợp lí và không tốn kém, cứ đảm bảo sức khỏe là được, mẹ giúp con chăm cháu như vậy mẹ nhé”.
Mẹ chồng Thúy chỉ “ừ” một tiếng, chồng cô nói thêm vào: “Vợ con nói đúng đấy mẹ, chúng con phải tính toán chi tiêu từng đồng mới có thể mua nhà ở đây, với cả cô ấy cũng thương mẹ vất vả nên mấy tháng mẹ ở với chúng con muốn tẩm bổ cho mẹ một chút. Việc gì máy móc làm được thì mẹ không cần động tay, mẹ nhé!”.
Đến lúc ấy mẹ chồng mới hiểu ra, nét mặt rạng ngời, bà cười vui vẻ: “Mẹ biết rồi, cũng chỉ tại mẹ ở quê nên không hiểu lắm. Nhà của các con, ăn tiêu thế nào là việc của con, mẹ không hỏi nữa đâu, cứ hợp lý là được”.
Thúy cũng cười tươi gắp cho mẹ chồng cái đùi gà, may quá khi cô còn đủ kiên nhẫn với mẹ chồng, may hơn khi cô có anh chồng hiểu vợ, biết nói khéo với mẹ để mối quan hệ của cô và mẹ chồng tốt hơn. Con dâu biết nhẫn nhịn, biết nói phải trái, mẹ chồng biết lắng nghe, thấu hiểu thì nhà sẽ đầy ắp tiếng cười chứ không phải chiến tranh 2 người ở 2 chiến tuyến nữa.
Theo Nhật Quỳnh (Báo Dân Sinh)