Chuyện vàng cưới là một vấn đề tế nhị và hay gây khúc mắc cho những người trong cuộc. Nếu như các nàng dâu mới khác thường mắc phải vấn đề: có nên đưa vàng cưới nhờ mẹ chồng giữ hộ, thì Như không cần băn khoăn mảy may, vì ngay sau đám cưới mẹ chồng đã tuyên bố để vợ chồng cô tự bảo quản.
Như cười tâm sự, chính vì động thái đó của mẹ chồng khiến Như rất nể trọng bà. Bà thực sự tâm lý, suy nghĩ thấu đáo cũng như tôn trọng tự do, riêng tư của các con khi chúng đã thành gia lập thất. Cô bảo, vợ chồng cô đã đi làm tự kiếm ra tiền, có lý nào cần người khác giữ hộ chút vàng hồi môn. Bậc mẹ chồng nào muốn giữ, chẳng qua là muốn quản lí, nắm chắc kinh tế của con mà thôi.
Song hình như cô đã nhận định hơi sớm về bà. Như kể tiếp, 3 tháng sau đám cưới của vợ chồng cô, em chồng cũng rục rịch lên xe hoa về nhà chồng. Mẹ chồng đột nhiên gọi cô đến, nhỏ giọng nói muốn mượn lại bộ trang sức bà đã trao tặng cho cô trong ngày cưới để... tặng cho em chồng. Với lí do, bà ngại đi đánh lại bộ mới.
Như đứng hình một hồi lâu với yêu cầu thốt ra từ mẹ chồng. Suy nghĩ đầu tiên của cô là "mẹ chồng không có tiền", nên mới nghĩ ra phương án ấy. Bởi chả lẽ con gái về nhà chồng lại không cho thứ gì, sợ nhà thông gia cười cho. Mà khoan, tháng trước cô rõ ràng nghe mẹ chồng khoe với em dì của bà trong điện thoại, rằng nhân vàng đang xuống giá nên bà đã mua 1 cây tiết kiệm.
Như cho hay, biết bà không khó khăn song vẫn muốn lấy lại vàng đã cho vợ chồng cô trong đám cưới, cô vừa giận vừa buồn. Bà nói mượn nhưng bà đã trao cho con gái thì lấy đâu ra trả cho cô? Hơn nữa ai lại đi mượn kiểu đó chứ. Thì ra mẹ chồng vẫn luôn canh cánh về số vàng ấy, chẳng qua bà không thể hiện ra một cách vội vàng mà thôi.
Như nghĩ lúc này căng thẳng với bà chỉ có hại mà chẳng chút lợi lộc. Vì thế, cô nhanh chóng mỉm cười, nhẹ nhàng đáp lời bà: "Mẹ ơi, đối với con quà tặng của bố mẹ luôn là một kỉ vật rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Con sẽ nâng niu, gìn giữ cả đời này, sau truyền lại cho con cháu.
Mẹ đừng giận con nha, không phải con ích kỉ hay tham lam muốn giữ bằng được đâu, thậm chí mẹ thiếu tiền con sẽ bù vào cho. Đều là người trong nhà mà, đi đâu thiệt thòi được ạ. Nếu mẹ ngại đi đánh thì để con đi đánh giúp cho ạ. Con trả tiền công luôn, mẹ không cần bận tâm gì hết. Vợ chồng con cũng định tặng em một chút, tiện thể con ra hiệu vàng 1 công luôn".
Như bảo, sau những lời Như nói, mẹ chồng nghẹn chả đáp được gì. Có thể bà yếu thế trước thái độ không bắt bẻ vào đâu được của Như. Đầu tiên là bày tỏ sự quý trọng với món quà cưới của bà, rồi sẵn sàng bù tiền mặt cho bà đi đánh vàng mới tặng con gái, ai có thể nói được gì cô?
Hoặc có thể bà thấy tẽn tò xấu hổ vì bản thân tính toán, trao cho con cái chút vàng còn muốn dùng cách này cách khác đòi lại bằng được, con dâu ngược lại rất vô tư, rộng rãi với bà và em chồng.
Như thật sự không đoán được suy nghĩ thật của mẹ chồng. Chỉ biết, bà ậm ừ rồi không nhắc lại vấn đề đó nữa. Sau đấy, bà tự đi đánh vàng mới tặng con gái, càng không hề bảo vợ chồng cô bù tiền. Thái độ của bà với Như tiếp đó thậm chí còn hòa nhã, thân thiết hơn trước.
Như tâm sự, lúc này cô nhận ra, bà thực sự xấu hổ với cô. Như thở phào nhẹ nhõm vì lúc ấy mình không gay gắt từ chối, làm căng thẳng mọi chuyện lên. Dù khi đó cô nói vậy chỉ để ứng phó với mẹ chồng, song qua sự việc này cô nhận ra, kể cả mẹ chồng có khắt khe, tính toán, thì chỉ cần cô dùng sự chân thành, yêu thương đối đáp lại, bà nhất định sẽ bị "cảm hóa".
Những gì xuất phát từ trái tim, sẽ đi đến trái tim. Mẹ chồng, nàng dâu là những người xa lạ về ở chung, trở thành người nhà của nhau. Sẽ là rất khó để hòa hợp trong 1 thời gian ngắn, nhưng rõ ràng chỉ cần song phương chân thành đối đãi, mối quan hệ muôn thuở này chắc chắn sẽ dễ thở hơn nhiều.
Theo Thược Dược (Helino)