Mẹ chồng tôi thuộc lớp người cũ, đã ngoài 65 tuổi. Bà sinh được 4 người con, 2 trai 2 gái. Chồng tôi là trưởng nên ông bà ở với vợ chồng tôi, còn chú út sau khi lấy vợ bà nhanh chóng xây nhà cho chú ở riêng.
Phải thừa nhận rằng, mẹ chồng và chồng tôi không hợp tính nhau, bà hợp với chú út hơn, nên mặc dù ăn ở với chúng tôi nhưng bà thường xuyên chăm nom, chăm bẵm cho gia đình chú út, có cái gì ngon hay đồng quà tấm bánh là nhanh nhẩu mang hết ra nhà chú út cho cháu nội, trong khi 2 đứa con nhà tôi thì trơ mắt ra nhìn. Làng xóm có người thẳng tính còn khuyên bà “ăn cây nào thì rào cây ấy” nhưng bà chẳng nghe.
Cũng phải thú thực rằng tôi không phải là đứa con dâu hẹp hòi hay để ý để tứ mẹ chồng cái gì, bà hợp với ai cũng không mấy tôi quan tâm, chỉ có điều bà thường xuyên than nghèo, kể khổ rồi xin tiền chồng tôi. Hơn nữa, bà xin tiền vì bà thiếu thốn, bà xin tiền để bà tiêu thì tôi cũng chả so đo làm gì, đằng này, bà lại xin tiền thằng anh để tích cop cho thằng em. Ấy thế tôi mới bực chứ.
Ai đời mẹ chồng tôi có lương hưu, đủ chi tiêu sinh hoạt tuổi già chốn quê nhưng lúc nào bà cũng kêu khổ, kêu nghèo, kêu không đủ tiền tiêu trước mặt chồng tôi. Mà của đáng tội, làm gì có thằng con trai nào bo bo giữ được tiền trong ví khi thấy mẹ kêu than như thế.
Đã nhiều lần tôi thấy bà kêu vừa lĩnh lương thì mua thuốc huyết áp, thì đám cưới nhà này, đám khóc nhà kia… nhưng thực chất thì thuốc thang bà vẫn còn, đi đám xá thì bà đi 1 đồng nhưng bảo 5 đồng để xin tiền con trai.
Lại có lần, sáng sớm ra vợ chồng tôi đã thấy bà bần thần ngồi giữa nhà kêu vừa đi chợ sáng đánh rơi mất tiền, mất sạch chỗ tiền lương vừa lấy, già cả lú lẫn hết rồi. Thương mẹ, chồng tôi lại đưa bà mấy triệu để bà tiêu. Nhưng buổi chiều hôm ấy, chính chị trưởng thôn vô tình gặp tôi lại nhắn rằng “mày về bảo mẹ qua chỗ cô lấy lương hưu đã có rồi nhé”.
Tôi về kể lại với chồng, định làm cho ra nhẽ thì chồng gạt đi ngay “so đo mấy đồng với mẹ làm gì, có bao nhiêu thì bà cũng để cho vợ chồng mình chứ cho ai, đi đâu mà thiệt”.
Nhưng chồng tôi đâu có biết, mẹ “ăn cây táo nhưng rào cây sung”, có bao nhiêu của nả mẹ dồn cho chú út hết. Năm nay, chú út muốn lên thêm tầng nữa nên đang huy động các nguồn vốn, chính vì thế tôi cũng thấy mẹ hay xoắn đáo, ráo riết chuyện nhà cửa của chú. Chồng tôi thì chỉ biết ráo: “Nó lớn rồi nó khác biết làm, biết lo, bà già rồi không việc gì mà phải ôm rơm cho nặng bụng”. Nhưng có nói thế, nói nữa bà cũng chẳng nghe. Chuyện đâu xa, ngay sau Tết vừa rồi đây thôi.
Ngày Tết, vợ chồng tôi biếu bà 5 triệu để sắm Tết, bà không nói gì chỉ thở ngắn thở dài kêu 5 triệu thời buổi này thì tiêu được cái gì. Nhưng vợ chồng tôi nhận đi mua sắm thì bà không đồng ý, bà bảo cứ đưa tiền đây bà sắm hết cho, thế là cái gì tôi cũng thấy bà sắm 1 đôi như nhau, hai cành đào, 2 cây quất, 2 chục đồng bánh chưng, 2 bịch bánh kẹo,,, hóa ra là bà sắm cả cho nhà chú út.
Tôi bực ghê, định bụng qua Tết ngày rộng tháng dài thì ngồi nói chuyện với mẹ, nhưng việc chưa xong thì trong ngày Thần Tài, tôi ngã người khi biết một sự thực.
Chả là ngày mùng 9 âm, tôi thấy mẹ tôi kêu hết tiền tiêu, thế là chồng tôi mới kéo tôi ra góc bếp nói nhỏ: anh chưa đến ngày lĩnh lương, em xem tiền thưởng Tết còn đưa mẹ 5 triệu để mẹ đi mua thuốc thang với chi tiêu, anh thấy mẹ kêu từ hôm qua tới giờ đấy. Tôi đành phải đưa bà 5 triệu, bởi nếu không chồng tôi lại đi vay nóng bạn bè đưa bà. Vợ chồng tôi viên chức quèn, ngoài đồng lương cơ bản hàng tháng cũng chả có gì.
Ấy vậy mà hôm nay, ngày 10.1, tức ngày Thần Tài, trong lúc dọn dẹp quần áo đi giặt, tôi vô tình thấy trong túi áo mẹ chồng tôi có cái hóa đơn mua… cả 1 cây vàng đi kèm là 2 cái nhẫn vàng ta 5 chỉ to tổ bố.
Đến vợ chồng tôi còn chưa dám mua liền 1 lúc đến cả cây vàng, có chăng là dăm ba tháng mới mua 1 chỉ tiết kiệm, ấy vậy mà… Tôi nhìn đi nhìn lại, tưởng mình hoa mắt nhưng sự thực đúng là thế.
Rồi ngay chiều ấy, tôi để ý thấy mẹ tất tả mặc chiếc áo có cả cây vàng mang sang nhà chú út. Lúc về, mẹ thản nhiên ném cái áo không vào máy giặt, mặt tươi rói như hoa.
Tôi nản quá, không biết bắt đầu câu chuyện với mẹ chồng mình từ đâu bây giờ.
Theo Thùy (Dân Việt)