Mẹ chồng - nàng dâu là chủ đề muôn thuở có đến cả ngàn câu chuyện không có hồi kết. Những vấn đề tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt lại là yếu tố mang đến mâu thuẫn, xung đột gia đình. Có rất nhiều cách để giải quyết nhưng không phải cách làm nào cũng hữu hiệu.
Trong 1 diễn đàn, nàng dâu khoe "sự thông minh" của mình bởi có 1 bà mẹ chồng khó tính nhưng cô vẫn không để mất lòng.
Cô kể: "Mẹ chồng mình phải 1 mình nuôi con, ông bỏ đi biệt tích từ khi chồng mình mới 7 tuổi nên thành ra bà hơi căn cơ, tiết kiệm. Dù đến thời của bọn mình công việc ổn định, thu nhập khấm khá, nói bà chỉ việc dưỡng già hưởng thụ nhưng bà không nghe, chỉ thích nuôi mấy con gà, trồng mấy luống rau rồi mang ra chợ bán được vài đồng bạc.
Năm ngoái có dự án ở khu nhà chồng mình nên căn nhà ở quê bị giải tỏa. Nhân dịp này chồng mình có nói bà lên thành phố ở với 2 vợ chồng luôn, 1 thân 1 mình ở quê con cái cũng không yên tâm. Thuyết phục mãi bà mới nghe.
Từ ngày có bà lên mình cũng đỡ vất vả vì bà đỡ đần con cái cho. Nhưng khổ nỗi tính bà vốn tằn tiện, con dâu cứ mua bán gì là lại kêu than hoang phí. Mẹ chồng mình có những suy nghĩ rất buồn cười kiểu: 'Đồ ăn siêu thị khác gì đồ ăn ngoài chợ mà đắt gấp mấy lần. Ở nhà mẹ cứ chờ đến muộn mẹ đi chợ cho rẻ, lúc ấy người ta ế hàng dễ mặc cả. Chúng mày chỉ được cái ném tiền qua cửa sổ'.
Toàn những cái nhỏ nhặt, bất đồng quan điểm sống mà thành ra mình có thành kiến với mẹ chồng, đi về nhìn bà cứ thấy khó chịu trong lòng.
Đỉnh điểm là hôm ấy ăn cơm xong mẹ chồng mình đề nghị giữ thẻ lương của chồng mình để tiết kiệm với lý lẽ: 'Mẹ chả biết chúng mày kiếm được bao nhiêu 1 tháng nhưng mẹ cứ giữ lương 1 đứa tiết kiệm để mà sinh đẻ sau này. Chứ cứ ăn tiêu thế chả mấy chốc mà sạt nghiệp'.
Mình bực lắm nhưng cũng không muốn để mẹ chồng nghĩ ngợi với chồng khó xử nên vui vẻ đồng ý. Sau hôm ấy cứ đến ngày chồng có lương là mình lấy điện thoại anh ấy chuyển khoản hết sang tài khoản mình nên bà có giữ cái thẻ ATM cũng chả giải quyết được gì.
Thời buổi giờ tiêu dùng qua thẻ tín dụng với thanh toán qua app chứ cần gì cái thẻ nữa. Thế là vẹn cả đôi đường, các mẹ nào mà rơi vào cảnh như mình cứ thế mà 'triển', tranh luận với người già làm gì cho mệt mỏi".
Có người khen cô vợ thông minh, khéo léo nhưng cũng có người không hưởng ứng với chiêu "lừa" mẹ chồng của cô.
Thực ra, khoảng cách giữa việc khéo léo giải quyết 1 vấn đề khó, nhạy cảm với dùng chiêu trò để "qua mắt" tạm thời ngắn lắm. Và đôi khi các nàng dâu hay bị lầm tưởng. Mỗi người con dâu sau này cũng có thể làm mẹ chồng. Vậy nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu con dâu của bạn cũng đối xử với bạn như thế?
Mẹ chồng dù thế nào cũng là người sinh ra chồng chúng ta, không có bà sẽ không có anh. Cả 2 người phụ nữ cùng xuất phát điểm từ xa lạ mà trở thành người thân nên không tránh khỏi những khác biệt. Và việc chúng ta cần làm là khắc phục những khác biệt ấy để mối quan hệ tốt đẹp về lâu dài chứ không phải đối phó ngày 1 ngày 2.
Nàng dâu và mẹ chồng sinh ra ở 2 thời kì khác nhau, môi trường sống, suy nghĩ, tư tưởng cũng vì thế mà khác nhau. Vậy nên thay vì dùng mánh khóe để đối đãi với người mà bạn gọi là mẹ hãy ngồi lại phân tích cho bà hiểu. Rằng thu nhập của chúng con khoảng bằng này, con dùng để chi tiêu vào các đầu việc trong tháng như sau... vẫn để ra tiết kiệm để dùng vào ốm đau hay có công to việc lớn. Chỉ cần chi tiêu của bạn thực sự hợp lý và cân đối với mức thu nhập thì mẹ chồng sẽ tự nhiên cảm thấy yên tâm. Thậm chí còn có cái nhìn khác về con dâu của mình.
Và chắc chắn bạn cũng cần nói rõ để bà hiểu, dù là con bà nhưng 2 bạn đã là 1 gia đình riêng, cần có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tổ ấm của mình. Việc bố mẹ không can thiệp vào chuyện riêng của con cái cũng chính là sự tôn trọng và tin tưởng dành cho con cái.
Hãy nghĩ 1 cách tích cực, mẹ chồng có lo thì bà mới làm thế để giữ gìn cho con cái. Thế nên, hãy thử chia sẻ, tâm sự 1 cách chân thành nhất để mẹ chồng hiểu, khoảng cách giữa 2 thế hệ cũng vì thế mà được rút ngắn.
Theo Ngọc Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)