Từ lúc bước sang ngưỡng tuổi 70, sức khỏe của mẹ tôi kém hẳn. Nếu trước đây mỗi tháng tôi thu xếp về với mẹ một, hai lần thì khi dịch ập tới, tôi chỉ có thể gặp mẹ qua những cuộc video call.
Tuy rằng ở quê có anh chị Hai chăm sóc mẹ, nhưng tôi biết mẹ vẫn mong gia đình đứa con trai út về chơi, nhất là khi thành phố đã dừng giãn cách xã hội.
Trong khi mẹ lúc nào cũng mong ngóng đứa con dâu “mấy tháng trời không gặp” thì vợ tôi lại có thể mặc kệ để lo cho những dự án chưa hoàn thành.
Có thể nói vợ tôi là người của công việc. Là phó phòng một công ty, vợ tôi bận bù đầu, chưa kể em luôn hướng đến vị trí trưởng phòng trong tương lai. Chuyện nhà cửa, con cái, em để tôi quán xuyến một chút cũng không sao, khi nào quá mệt chúng tôi sẽ thuê giúp việc theo giờ. Nhưng điều khiến tôi buồn nhất ở vợ chính là sự thờ ơ với mẹ chồng, gia đình chồng.
Vài ngày trước, tôi nhận được tin mẹ yếu, ăn uống khó khăn. Bình thường, mỗi lần mẹ mệt sẽ lên TPHCM thăm khám. Nay vì đi lại bất tiện nên mẹ muốn nghỉ ngơi ở nhà, không chịu đi bệnh viện. Mẹ bệnh chỉ trông cậy vào một tay chị Hai chăm sóc. Gọi điện thoại về, thấy mẹ gầy yếu, thấy chị bạc tóc vì thức đêm lo cho mẹ, tôi ứa nước mắt.
Ngay chiều hôm ấy, tôi bàn với vợ về quê để thăm và khuyên mẹ đi viện. Không ngờ vợ bảo: “Người già đau ốm là chuyện bình thường, chưa kể lúc này ở quê đang chuyển lạnh. Do thời tiết nên bà mệt thôi. Em mới đi làm lại chưa đầy một tháng, giờ xin nghỉ thì công việc đùn đẩy cho ai”.
Hai vợ chồng lời qua tiếng lại. Rốt cuộc, vợ tôi vẫn không chịu về quê. Cô ấy hết viện lý do công việc, rồi lại cho rằng đi lại khó khăn.
Quá mệt mỏi, tôi nói sẽ về quê một mình. Vợ tôi buông thõng: “Anh muốn làm gì thì làm, mẹ vẫn ở nhà đấy thôi, nếu có chuyện thì mẹ đã vào viện”.
Sao vợ tôi có thể lạnh lùng nói ra những lời ấy khi mẹ chồng đang bệnh? Tôi biết nhiều người già sợ cảm giác phải nằm viện, sợ ngay cả lúc nhắm mắt xuôi tay không được ở trong mái nhà quen thuộc.
Sau trận cãi nhau, vợ tôi vẫn chốt lại bằng một câu: “Anh yên tâm, nếu mẹ "có chuyện" thật, em sẽ về, thậm chí là sẽ cố gắng đưa con về cùng”.
Sự chịu đựng của tôi đã căng hết mức, nên không muốn nói gì thêm với vợ nữa.
Khuya hôm ấy, chị Hai gọi điện, báo tin mẹ phải nhập viện. Bác sĩ nói mẹ đã rất yếu. Chị Hai không quên nói tôi tranh thủ về ngay, mẹ chỉ có một mong mỏi là gặp con cháu lúc này. Vợ tôi ngồi ngay đó, nghe hết cuộc nói chuyện, gương mặt có chút bần thần.
Tôi lặng lẽ xếp đồ để lo về quê, vợ tôi cũng lẳng lặng làm theo. Đáng lẽ chúng tôi sẽ về với một tâm trạng khác, với sự đồng lòng thương yêu, lo lắng cho mẹ. Nhưng giờ đây, tôi chẳng còn tâm trí nào để ý đến cảm xúc của vợ. Giá mà em đừng buông ra những lời lẽ vô tâm, cho rằng mẹ “có chuyện” thì mới về.
Giờ thì mẹ đã vào viện thật, liệu em có cảm thấy áy náy với những gì đã nói ra?
Theo G.Hưng (Phụ Nữ Online)