Chị G.T.M, 37 tuổi quê Điện Biên, vào Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí do đau bụng khi đang mang thai lần thứ 4, thai hơn 23 tuần.
Sau khi tiến hành thăm khám, kiểm tra, bác sĩ siêu âm thai phát hiện không có tim thai. Thai gần 6 tháng trong bụng chị đã chết lưu. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị M. còn bị thiếu máu nặng, chỉ số HgB là 51g/l.
HgB là một trong ba chỉ số dùng để chẩn đoán tình trạng thiếu máu, đó là: RBC (Red Blood Cell) cho biết số lượng hồng cầu, HCT (Hematocrite) cho biết dung tích hồng cầu và HgB (Hemoglobin) cho biết lượng huyết sắc tố. Nếu 2 trong 3 chỉ số trên thấp hơn so với bình thường, bệnh nhân được chẩn đoán là thiếu máu. Thông thường, chỉ số HgB là 125-160g/l, riêng phụ nữ có thai được coi là thiếu máu thai kỳ khi hàm lượng HgB trong máu thấp dưới 110/l.
Chị M. cho biết trước khi nhập viện chị không hề biết bản thân bị thiếu máu và nhận thấy bất thường từ thai nhi. Trước đó chị đã mang thai và sinh con 3 lần lượt vào các năm 2017, 2018, 2019.
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu nhưng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai là thiếu máu thiếu sắt do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu; phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai cũng gây thiếu máu nhiều hơn...
Trong trường hợp thiếu máu nhẹ, thai phụ có thể vẫn cảm thấy bình thường. Thiếu máu mức độ vừa và nặng, thai phụ có thể gặp các biểu hiện như cơ thể yếu và mệt mỏi nhiều; da nhợt nhạt; hồi hộp, đánh trống ngực; thở nhanh; hoa mắt chóng mặt hoặc ngất...
Phụ nữ mang thai cần thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Các bác sĩ khuyên thai phụ cần được xét nghiệm máu để sàng lọc thiếu máu ngay từ lần khám thai đầu tiên và ít nhất 1 lần nữa ở các lần khám thai tiếp theo. Ngoài ra, nếu lo lắng về mức độ mệt mỏi hay bất kỳ dấu hiệu nào khác, hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn.
BSCKII Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Sản thuộc Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, cho biết thiếu máu trong quá trình mang thai rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Thai nhi có nguy cơ thiếu máu, thai chậm phát triển, chết lưu; còn mẹ có nguy cơ chảy máu, mất máu trong quá trình chuyển dạ...
Việc sinh con quá nhiều lần, khoảng cách sinh quá gần nhau như trường hợp của chị M. khiến sức khỏe của người mẹ chịu rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là lúc chuyển dạ như đờ tử cung, băng huyết... Do đó chị em cần có biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp.
Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất dinh dưỡng, phụ nữ mang thai cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng; bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt sét.
Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: Bột yến mạch ăn liền; ngũ cốc ăn liền, các loại đậu (đậu thận, đậu lăng, đậu nành); Các loại thịt gà, thịt bò; Rau xanh đậm màu (cải bó xôi, bông cải xanh, rau ngót, rau bí, rau đay, cần tây…);Trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt (cam, quýt, chanh, bưởi, dâu tây…)...
Theo Võ Thu (VietNamNet)