Mất ngủ dễ gây chết người

19/07/2018 17:07:12

Mất ngủ gây bệnh lý lo âu, trầm cảm, tim mạch, cao huyết áp, nguy cơ dẫn tới đột quỵ.

Theo Quỹ Nghiên cứu Giấc ngủ Quốc gia Mỹ ( NSF), những người thiếu ngủ, ngủ dưới 6 tiếng một ngày tỷ lệ tử vong cao hơn. Những người ngủ dưới 4 tiếng một ngày, tỷ lệ tử vong tăng lên 15%

Nhóm nghiên cứu từ bệnh viện Đài Loan vào năm 2000 khảo sát 80.000 người, trong đó có 21.000 người mất ngủ, tỷ lệ đột quỵ của nhóm người mất ngủ này tăng gấp 8 lần những người khác. Đây là kết quả chính xác đã được kiểm định và có ý nghĩa về y học cho đến nay.

Mất ngủ dễ gây chết người

Chị Nguyễn Thị Nho, 32 tuổi ở Hải Dương bị chứng mất ngủ hơn một năm nay. Tối nào chị cũng nằm trằn trọc đến 2-3h sáng, ngủ không vào giấc sâu, sáng dậy cơ thể rất mệt mỏi, buồn ngủ nhưng hễ đặt lưng xuống là không thể ngủ được.

PGS.TS Vũ Anh Nhị, Trưởng bộ môn Thần kinh Đại học Y dược TP HCM cho biết, mất ngủ sinh ra bệnh lý lo âu, gây rối loạn trầm cảm, tỷ lệ đau đầu mạn tính tăng lên. Mất ngủ kéo dài mạn tính sẽ gây nên thoái hóa tế bào, ngộ độc tế bào, nhưng không thể gây ra đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ đến từ quá trình thứ 2, mất ngủ gây nên bệnh tim mạch, cao huyết áp. 60% người mất ngủ bị béo phì, dẫn tới tiểu đường. Đặc biệt người gầy mà mất ngủ sẽ tăng cholesterol, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ Nhị cho biết, 3 dấu hiệu bạn bị mất ngủ:

- Nằm trên giường đến 30 phút thậm chí lâu hơn nữa cũng không ngủ được. Sau đó đến giai đoạn kiệt sức thì bắt đầu ngủ mơ màng.

- Khi ngủ, giấc ngủ thay đổi liên tục: lúc mơ, lúc mộng mị, lúc dậy đi tiểu… không duy trì được giấc ngủ bình thường.

- Khi tỉnh dậy cơ thể không sảng khoái, không hăng hái làm việc.

Bác sĩ khuyên một số cách giúp người bệnh trở lại giấc ngủ ngon:

- Không hoạt động nhiều trước khi đi ngủ. Hoạt động nhiều làm cơ thể tăng năng lượng, tiết nhiều cholesterol, gây khó ngủ.

- Tránh xa những áp lực, muộn phiền ảnh hưởng tới giấc ngủ. Phòng ngủ luôn thoáng và yên tĩnh.

- Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia vào buổi tối. Duy trì chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.

- Không sử dụng thuốc ngủ. Thuốc ngủ giúp giấc ngủ dễ dàng nhưng khi dậy cơ thể rất mệt mỏi, dùng lâu sẽ gây nên tác dụng phụ, khiến chu kỳ thức ngủ bị phá vỡ. Người bệnh lệ thuộc vào thuốc, có thể từ những cơn mất ngủ thoáng qua thành mất ngủ mạn tính, mất ngủ bệnh lý, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ. Thuốc ngủ còn gây ra tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, dễ kích động, nguy hiểm đến gan, thận, người sử dụng lâu ngày gặp nhiều biến chứng khó lường

- Nên đi điều trị trong 1-3 tháng đầu tiên khi cơ thể bắt đầu có triệu chứng mất ngủ để đảm bảo an toàn và tránh hệ lụy lâu dài.

Theo Thúy Quỳnh (VnExpress.net)