Ths Nguyễn Thị Lan Hương (Cục phòng Chống HIV/AIDS – Bộ Y tế) cho biết, một người phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì việc điều trị dự phòng là vô cùng quan trọng, điều này sẽ giúp cho đứa trẻ không bị nhiễm HIV khi được sinh ra.
Theo đó, nếu người phụ nữ mang thai, phát hiện nhiễm HIV ở 3 tháng đầu thì cần được điều trị càng sớm càng tốt. Đối với việc điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, thì việc tuân thủ “nguyên tắc 5Đ”, đó là: uống thuốc đều, đúng giờ, đúng liều, đúng chỉ định, đúng cách.
Không chỉ thực hiện thuốc theo “nguyên tắc 5Đ”, thai phụ cần phải xét nghiệm máu định kỳ trong suốt quá trình mang thai, việc xét nghiệm này nhằm biết được tải lượng virus đang ở ngưỡng nào, nếu ở ngưỡng 200 bản sao thì nguy cơ lây từ mẹ sang con là rất thấp.
Trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ được dùng các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên để làm giảm số lượng HIV trong cơ thể người mẹ giảm nguy cơ truyền vi rút sang con. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ”, Ths Hương chia sẻ.
Một vấn đề nữa cũng cần phải lưu ý, đó chính là việc điều trị cho mẹ và trẻ sơ sinh sau khi chào đời bằng thuốc kháng virus HIV, bởi quá trình sinh con, nhất là sinh qua đường âm đạo, tỷ lệ phơi nhiễm sẽ rất cao.
Đối với phụ nữ đang điều trị HIV nếu muốn sinh con cần phải duy trì uống thuốc, nếu xét nghiệm máu có tải lượng dưới 200 bản sao mới nên xin ý kiến bác sĩ để sinh con.
Riêng vấn đề, người mẹ nhiễm HIV có được nuôi con bằng sữa mẹ hay không, Ths Hương cho rằng, việc làm này là tùy theo quyết định của người mẹ. Trong trường hợp bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, thì cần phải đảm bảo sử dụng sữa thay thế trong 6 tháng.
Theo Lê Phương (Khampha.vn)