Nguy kịch do vết xước
Bệnh nhi Và Ya S (sinh năm 2015, quê Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An) được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tới tính mạng. Bệnh nhân được đưa tới viện trong tình trạng sốt cao, cứng hàm, co giật, miệng khó há, khó nuốt, tăng trương lực cơ toàn thân.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó vài ngày trong lúc chơi đùa bé S có bị trầy xước ở chân. Tuy nhiên, gia đình cho đó là vết thương nhỏ nên đã không để ý tới, đến khi bé sốt cao gia đình mới đưa đi khám tại bệnh viện huyện và được chuyển cấp cứu tại bệnh viện tuyến trên.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bé S được chẩn đoán nhiễm vi trùng uốn ván, sức khỏe kém, tiên lượng xấu. Tình trạng bệnh nhi co cứng toàn thân, tăng tiết dịch đờm dãi, biểu hiện suy hô hấp, các bác sĩ đã thực hiện đặt ống khí quản, thở máy, cho dùng huyết thanh SAT, kháng sinh, an thần, thuốc chống co giật kết hợp tiêm, uống.
Hơn 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhi đã cắt sốt, không còn co giật. Hiện tại đã ăn được sữa và cháo loãng. Theo dự kiến bệnh nhi sẽ được ra viện trong vài ngày tới.
BSCK1. Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay, trường hợp của bệnh nhi S là ca bệnh hiếm gặp, tiên lượng bệnh xấu. Trong quá trình điều trị rất phúc tạp, khó khăn, trẻ phải dùng nhiều thuốc an thần, toàn thân co cứng, sốt cao liên tục, chống máy thở.
Bệnh dễ phòng điều trị khó
Bác sĩ Mạnh cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván có tên Clostridium tetani gây nên. Ngoại độc tố này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến cứng cơ, có thể gây tử vong.
Nguyên nhân mắc uốn ván
- Nguy cơ uốn ván dễ mắc ở người có hệ miễn dịch kém
- Vết thương hở như xăm mình, xỏ khuyên trong điều kiện vô trùng kém, vết tiêm
- Bỏng lan rộng
- Vết thương do phẫu thuật
- Nhiễm trùng tai
- Vết cắn của động vật
- Vết loét bị nhiễm trùng ở chân…
Triệu chứng nhiễm uốn ván
- Người bệnh sẽ bị tăng trương lực và co cứng cơ, co giật
- Suy hô hấp
- Loạn nhịp tim, suy tim… dẫn đến ngưng thở và tử vong.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo: "Bệnh uốn ván rất dễ phòng, nhưng lại khó chữa. Ngừa bệnh rất rẻ nhưng chi phí điều trị có khi lên cả trăm triệu đồng cũng chưa chắc giữ được tính mạng".
Chủ động phòng bệnh uốn ván là việc nên làm. Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai cần tiêm ngừa uốn ván để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho con.
Thời gian tiêm phòng uốn vấn như sau:
- Từ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm những vắc xin cộng hợp (6in1, 5in1) trong đó có chứa kháng nguyên bảo vệ trẻ phòng bệnh uốn ván.
- Trẻ 2 tháng tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu, 2 mũi sau tiêm cách nhau 1 tháng và chích mũi nhắc khi trẻ được 15-18 tháng tuổi.
- Đối với trẻ em trên 15 tuổi và người lớn cũng cần chích nhắc vì kháng thể uốn ván qua lứa tuổi này sẽ không còn khả năng ngừa được bệnh.
- Với những người bị thương nhưng chưa tiêm phòng uốn ván, ngay sau khi xử lý vết thương nên đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tiêm vắc xin uốn ván và huyết thanh kháng uốn ván.
Cách xử lý vết thương đúng cách trong cộng đồng
- Vết thương dù lớn hay nhỏ cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài.
Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn, đất, cát, thì nên dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô.
Lưu ý, với vết thương hở, không được bôi cồn 90 độ, i-ốt (betadine, povidine) trực tiếp vào vết thương để tránh làm tổn thương mô.
- Với vết thương có dị vật thì rửa tay sạch rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương và thay băng hàng ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế xử lý dị vật.
- Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành… bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay vì có thể vết thương đã nhiễm trùng.
- Tuyệt đối không tự chữa bằng các phương pháp dân gian như đắp thuốc rê, thuốc bột…
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)