Khi thăm khám cho bệnh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội), xác định đó là rận bẹn (còn gọi là rận mu).
Nam bệnh nhân cho biết gần một tháng trước anh đi công tác, có “qua lại” duy nhất một lần với người không quen biết. Chỉ sau 1 tuần, anh thấy vùng kín ngứa dữ dội, có những đêm gãi không ngủ được. Trước khi đến viện 1 ngày, anh tự tay bắt được “thủ phạm”.
Rận mu lây từ người này sang người khác chủ yếu qua quan hệ tình dục hoặc các sinh hoạt tiếp xúc thân mật giữa người với người. Rận mu còn có thể bám trên chăn, ga, gối, đệm, chiếu, quần áo nên cũng dễ lây qua thành viên trong gia đình, cả người lớn lẫn trẻ em.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi, ở Hà Nội, vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa, khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi của cháu nổi cộm, bác sĩ bắt được gần 20 con rận mu tại vị trí này.
Bác sĩ Dũng cho hay những người dân vùng du lịch, đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thường gặp bệnh rận mu hơn ở các nơi khác, vì là nơi giao lưu văn hóa.
Theo Tiến sĩ Dũng, nhiễm rận mu là một trong những bệnh tế nhị. Người mắc bệnh thường ngại đi khám và tự mày mò tìm cách chữa trị.
Đa phần, người bị rận mu không biết mình bị nhiễm bệnh, đó là do bởi rận mu không hay di chuyển (như chấy) nên không dễ phát hiện. Rận mu nhỏ hơn chấy, hơi tròn, có màu sáng, sau khi hút máu người thì sẽ chuyển sang màu nâu đỏ.
“Rận mu là ngoại ký sinh nên chỉ ký sinh trên bờ mi, không vào trong mắt, người dân không nên quá lo ngại", bác sĩ Dũng cho biết.
Tuy nhiên, vì rận mu xuất hiện ở mi mắt nên người dân thường chỉ nghĩ đó là gỉ mắt; khi thấy ngứa nhiều ở vùng kín, thấy rận bò ra thì mới biết đó là con côn trùng.
Mất 7 ngày để trứng rận phát triển thành rận trưởng thành hút máu.
Người bị rận mu thường thấy ngứa, được mô tả là "rất khủng khiếp" bởi ngoài cắn và hút máu ra, rận mu có hai càng như càng cua bám chắc vào da của người gây ngứa. Rận mu khi bám vào cơ thể người sẽ rất khó rơi ra ngoài. Bệnh không quá nguy hiểm, nhưng gây phiền toái, khó chịu.
Về điều trị, bác sĩ Dũng cho biết có người dân thường "truyền miệng" cách trị rận mu bằng cách giã lá xoan lấy nước và bôi lên vùng bị ngứa, tuy nhiên cách này không hiệu quả.
"Nước lá xoan chỉ làm rận mụ say, tạm thời không hoạt động chứ không giết chết được rận mu", ông nói. Khi nước lá xoan hết tác dụng, rận mu lại hoạt động và sinh sôi trở lại, gây ngứa.
Đặc biệt, lá xoan có độc chất nên tuyệt đối không được bôi nước lá này vào vùng mắt. "Bệnh nhân đến viện điều trị, chúng tôi cũng không sử dụng hoá chất cho vùng mắt mà hoàn toàn dùng tay gắp từng con rận mu ra để đảm bảo an toàn", bác sĩ Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, sử dụng sữa rửa mặt, sữa tắm không diệt được rận mu mà chỉ làm nó tạm thời không hoạt động, người bệnh đỡ ngứa chốc lát.
Nhiều người dùng thuốc chữa ghẻ để trị rận mu nhưng không hiệu quả. Bác sĩ Dũng khuyến cáo người dân điều trị bệnh này cần tuân theo chỉ định của thầy thuốc bởi hóa chất nếu bôi quá liều lượng sẽ gây phản ứng, ảnh hưởng sức khoẻ.
"Nếu thấy ngứa ở vùng mi mắt nhưng xét nghiệm không phải viêm kết bờ mi thì nên đến những cơ sở chuyên môn về ký sinh trùng để khám, điều trị", bác sĩ Dũng khuyên. Việc điều trị bệnh không phức tạp, chỉ một liệu trình là khỏi. Số ngày bôi thuốc chỉ không quá 1 tuần.
Theo Võ Thu (VietNamNet)