Ngay từ ngày còn học phổ thông, Loan đã nổi danh khắp làng trên xóm dưới vì “con nhà nông chân lấm tay bùn mà đẹp ngời ngời như hoa khôi”. Bố mẹ Loan cũng tự hào lắm về cô con gái xinh đẹp lại chăm chỉ, ngoan ngoãn. Hàng ngày ngoài giờ học, Loan phụ mẹ chăm sóc mấy sào ruộng và bãi ngô, rồi còn lợn gà cám bã. Gái quê, nhà lại neo người, công việc vất vả nhưng càng lớn Loan càng xinh.
Học hết cao đẳng Sư phạm mầm non, Loan cạy cục xin về dạy ngay trường mầm non ở xã để tiện đỡ đần công việc cho bố mẹ. Có mỗi cô con gái nhưng tối nào nhà Loan cũng tấp nập khách khứa. Không chỉ có trai làng mà ở tận huyện, có khi qua người nọ người kia giới thiệu còn có cả khách thành phố về tìm đến thăm nhà Loan, mục đích để làm quen cô hoa khôi vùng đất chiêm trũng.
Thế rồi Hùng, anh họ của Viễn, cô bạn thân cùng làng với Loan đã bị “thần tình yêu” bắn trúng tim khi về quê dự đám cưới em họ mình. Dù ngại ngần nhưng nể bạn, Loan nhận lời làm phù dâu cho Viễn và trong đám cưới ấy, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía phù dâu chứ không phải là cô dâu, nhân vật chính quan trọng nhất trong đám cưới.
Từ lúc nhìn thấy Loan, Hùng xoắn xuýt tìm mọi cơ hội để không rời cô, mặc những ánh nhìn ngưỡng mộ của không biết bao cô gái làng trước vẻ đẹp trai, hào hoa của chàng trai thành phố.
Viễn cũng đầy tự hào giới thiệu về anh họ mình “tuổi trẻ tài cao” khi đi du học ở nước ngoài về Việt Nam, mở một công ty kinh doanh bất động sản và làm Tổng giám đốc điều hành của công ty đó. Và giờ dù chưa có gia đình nhưng anh cô đã là chủ nhân của 3 căn biệt thự, hai ô tô đắt tiền và vô số những tài sản có giá trị khác.
Vậy là bỗng nhiên tiệc cưới của Viễn “mất” đi hai nhân vật chủ chốt là cô dâu, chú rể mà thay vào đó là Hùng, chàng trai thành phố giàu có, giỏi giang và Loan, cô hoa khôi xinh xắn, đẹp người đẹp nết.
Sau đám cưới của Viễn, người làng thấy Hùng có mặt thường xuyên ở nhà Loan, bàn tán mãi thì ai nấy cũng đều phải thừa nhận rằng họ là một cặp đôi Trời se “trai tài gái sắc”.
6 tháng sau đó, đám cưới của Hùng và Loan diễn ra tưng bừng, sang trọng và được đánh giá là “to nhất từ trước tới nay” ở làng. Ngày cưới, Loan như một cô công chúa, lộng lẫy trong chiếc váy cưới trắng muốt đính đá lấp lánh, e lệ bên chú rể bảnh bao, sang trọng trong bộ comple màu trắng ngà.
Giới “thạo tin” trong làng xì xầm buôn chuyện cho biết là riêng “lễ đen” của nhà trai mang đến nhà gái đã cả trăm triệu, chưa kể vòng, nhẫn vàng làm quà cưới cho cô dâu đeo trĩu tay, trĩu cổ.
Ấy vậy mà không ai có thể ngờ được sau đám cưới “cổ tích” ấy chưa đầy hai năm, Loan đã từ bỏ tất cả biệt thự, xe hơi, cả cái danh xưng danh giá “phu nhân tổng giám đốc” để đi theo một anh xe ôm nghèo rớt mùng tơi.
Thông tin ấy do chính Viễn, cô bạn thân và cũng là em họ của chồng Loan đi rêu rao khắp làng khi chị dâu trở tính trở nết, “sướng không biết đường hưởng”.
Hỏi thăm mẹ Loan, bà chỉ khóc rồi lặng lẽ đi vào nhà, tránh tối đa những khi phải ra ngoài để đỡ giáp mặt bà con hàng xóm. Mọi chuyện chỉ được giải toả khi hơn một năm sau đó, đúng dịp Tết, Loan rạng rỡ bế con trai tròn 3 tháng tuổi, cùng chồng về thăm bố mẹ. Sự thật về chàng Tổng giám đốc tài giỏi, giàu sang đã được “vén màn bí mật” khi Loan vì không muốn cha mẹ mình phải mãi gánh chịu tiếng oan “con gái bỏ chồng theo trai” đã ngậm ngùi kể lại…
Ngày đó, ngay sau khi cưới được độ chục ngày, Hùng yêu cầu Loan nghỉ việc ở trường mầm non của xã để chuyển lên thành phố sống cùng chồng. Nghĩ rằng cuộc sống vợ chồng trẻ mỗi người mỗi nơi cũng khó nên Loan đồng ý xin nghỉ việc với suy nghĩ sớm muộn Hùng sẽ tìm được việc làm cho cô nơi thành phố.
Thế nhưng mỗi lần đề cập với chồng chuyện để mình đi làm, Hùng toàn gạt đi, thậm chí có lần Hùng còn to tiếng mắng Loan muốn đi làm để “tìm cơ hội mèo mả gà đồng”, rằng cô “được chồng nuôi đến tận chân răng mà còn bày đặt kiếm cơ ra đường tụ tập”.
Loan ngỡ ngàng trước những lời nói của Hùng, cô không thể tin được mọi sự lại quay ngoắt, tồi tệ như thế ngay sau khi cô trở thành vợ anh. Hùng cấm Loan giao tiếp với bất kỳ ai khi anh không có mặt, mọi khoản chi tiêu của Loan, Hùng cũng kiểm soát chặt. Loan như con chim cảnh bị cầm tù trong chiếc lồng son đẹp đẽ. Ngay cả đến việc về quê thăm bố mẹ, Hùng cũng kè kè theo Loan và chỉ cho phép cô về quê khi có Hùng đi cùng.
Thương bố mẹ, Loan không dám hé răng nửa lời kể về cảnh sống như “tù giam lỏng” của mình. Ngay cả chuyện muốn có con để nhà bớt vắng vẻ, quạnh quẽ Hùng cũng không đồng ý. Anh mua thuốc tránh thai, bắt Loan uống đều đặn. Đến cả những bộ quần áo của Loan, Hùng cũng kiểm soát xem bộ nào được mặc, bộ nào “ngắn, hở” phải vứt đi.
Hàng ngày Loan chỉ có mỗi việc ở nhà đi chợ, về nấu cơm và chờ Hùng về ăn cơm. Nếu hôm nào Hùng bận công việc hay tiếp khách thì mình Loan thui thủi trong căn biệt thự rộng lớn, trệu trạo bưng bát ăn cho qua bữa.
Sống trong cảnh nhà lầu xe hơi như thế, chẳng ai tưởng tượng được người bạn duy nhất của Loan là anh xe ôm đầu ngõ nhà cô. Vì Hùng không cho phép Loan đi xe riêng nên hàng ngày khi đi chợ, vì chợ cách nhà gần 4 cây số nên Loan đều gọi anh xe ôm đỗ thường xuyên đầu ngõ nhà cô đưa đi rồi chờ cô mua bán xong lại chở về nhà.
Những câu chuyện trên đường hàng ngày đã kéo gần họ lại với nhau, Loan say sưa nghe anh xe ôm kể về tuổi thơ của anh ở quê nhà, về công việc “bất đắc dĩ” mà anh đang làm hàng ngày mỗi khi rảnh rỗi để lấy tiền trang trải cho việc học tại Trường đại học Nông nghiệp.
Anh xe ôm hơn Loan 6 tuổi, đi bộ đội về rồi mới ôn thi đại học và đỗ ngay trong lần thi đầu tiên. Nghe anh kể về quê anh, về những nương lúa vàng óng trải dài dưới chân núi, về mong ước học xong sẽ về quê làm trang trại, nuôi gà, thả cá, trồng trọt… Loan thích và đồng cảm lắm vì cô cũng được sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng…
Cuộc sống của Loan và Hùng ngày càng xa cách, Hùng đi biền biệt và xem Loan đúng như một món đồ trang sức, tăng độ “sang chảnh” cho anh mỗi khi bắt Loan ăn mặc lộng lẫy để đưa đến gặp quan khách hay đối tác.
Khá nhiều lần Loan muốn nói chuyện thẳng thắn với chồng để thay đổi cuộc sống trong gia đình, nhưng những gì cô nhận lại chỉ là thái độ khó chịu, thậm chí miệt thị, dè bỉu của chồng khi anh đã giúp cô “tẩy bùn gót chân xỏ vào hài công chúa” mà cô còn “được voi đòi tiên”.
Vậy là sau những đêm khóc thầm và mất ngủ triền miên, Loan đã đi đến quyết định khi thu xếp mấy bộ quần áo, đặt lên bàn phòng khách lá đơn ly hôn cô ký sẵn cùng dòng thư xin lỗi Hùng và nói rõ ngọn ngành chuyện vì sao cô “bỏ chồng theo trai”.
Đến bây giờ, khi nhìn con trai nhoẻn cười ngủ say trong vòng tay mẹ, nhìn chồng mình hì hục ngồi đóng lại cái chuồng gà cho bố mẹ vợ rồi tất tưởi ra chợ mua gà giống, cô biết mình đã chọn đúng đường.
Theo Lam Uyên (Tiền Phong)