Laura Hutchinson, 27 tuổi, ở Nottinghamshire, đã sử dụng thuốc tiêm tránh thai trong nhiều năm. Đến tháng 9/2018, cô chuyển sang dùng loại thuốc khác có tên là Rigevidon. Cô tin rằng, so với việc dùng thuốc tiêm tránh thai thì thuốc uống tiện hơn vì ảnh hưởng của thuốc sẽ nhanh hết. Và điều này sẽ rất thuận tiện cho cô khi vợ chồng cô dự định có thêm một đứa con trong tương lai.
Sau một tháng sử dụng thuốc, Laura nhận thấy da mình rất ngứa, đến nỗi cơ thể như là "phủ đầy vẩy", mắt chuyển sang màu vàng và cô cảm thấy như là bị sốt.
Cô được bác sĩ gia đình khuyên nên nhanh chóng đến Bệnh viện Bassetlaw ở Worksop để xét nghiệm máu.
Sau nhiều lần kiểm tra, các bác sĩ đã chết lặng. Nhân viên bệnh viện tiếp tục gửi cô đi xét nghiệm máu chi tiết hơn vì các triệu chứng của cô trở nên tồi tệ hơn trong tháng đó.
Cô Hutchinson nhận thấy nước tiểu của mình chuyển sang rất sẫm màu và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh vàng da, bao gồm cả đau bụng và mệt mỏi, thậm chí cả tròng mắt của cô bắt đầu vàng.
Laura nghi ngờ rằng đó có thể là bệnh xơ gan - bệnh thường là do tổn thương lâu dài do rượu hoặc viêm gan B, viêm gan C và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Nhưng cô được nhân viên bệnh viện trấn an rằng không phải vậy.
Các triệu chứng của cô trở nên tồi tệ hơn khi cô bắt đầu chảy máu do trầy xước da.
"Đến thời điểm này, tôi đã nghỉ làm rất nhiều ngày và tôi vẫn không biết mình đang phải đối mặt với điều gì'. Sau đó tôi bắt đầu cảm thấy rất sốt và yếu, nhưng bác sĩ cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ bắt đầu xét nghiệm viêm gan và những thứ khác - thậm chí họ còn thử nghiệm xem tôi có thực sự mang thai không", Laura Hutchinson nói.
Các bác sĩ đã cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng của cô nhưng không có kết luận rõ ràng. Sau đó, đến tháng 11, cô được tiến hành sinh thiết gan và xác nhận nội tạng của cô đã bị tổn thương. Kết quả sinh thiết cho thấy nồng độ bilirubin trong gan của cô khá cao - 245. Đây là một sắc tố màu vàng trong máu được gan xử lý. Bất kỳ bệnh nào ảnh hưởng đến chức năng của gan và ảnh hưởng đến khả năng loại bỏ bilirubin khỏi máu, đều có thể khiến cho bilirubin tích tụ.
Cô Laura Hutchinson đã trải qua 11 ngày trong bệnh viện. Đến ngày thứ 11 trong phòng bệnh, cô đã cầu xin y tá cho tôi về nhà vì tôi không thể chịu đựng được sự căng thẳng nữa. Sau khi ra viện, cô đã nói: "Bác sĩ nói với tôi rằng những vấn đề đã xảy ra là do thuốc tránh thai tôi đã uống. Tôi cũng được thông báo rằng gan của mình bị thiệt hại và nó sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn tới cuối năm nay".
Sau "sự cố" lần này, Laura Hutchinson rút ra được kinh nghiệm cho mình và cô cũng muốn chia sẻ với chị em để biết cách bảo vệ bản thân. "Điều này đã khiến tôi luôn nhớ là phải suy nghĩ 2 lần trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc tránh thai nào vì tôi tin rằng bất cứ loại nào cũng có thể rất nguy hiểm. Chị em phụ nữ cần lưu ý rằng những tác dụng phụ này tồn tại và có thể ảnh hưởng đến mình", cô nói.
Từ năm 2016 đã có những ý kiến kiến nghị loại bỏ thuốc tránh thai Rigvedon vì một số tác dụng phụ của nó. Tuy nhiên, theo NHS, những rủi ro này là nhỏ và đối với hầu hết phụ nữ, lợi ích của thuốc vượt trội hơn bất kỳ mối lo ngại nào.
Thuốc Rigevidon được phát triển bởi một công ty dược phẩm Hungary có tên Gedeon Richter Plc. Công ty nói rằng họ sẽ điều tra trường hợp của cô Hutchinson.
Người phát ngôn của Gedeon Richter Plc cho biết: "Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tổn thương gan, ví dụ như là dùng các loại thuốc khác, nhiễm virus hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn của gan. Do đó, trong trường hợp hiện tại, dựa trên thông tin rất hạn chế, mối quan hệ nhân quả giữa sản phẩm tránh thai có chứa levonorgestrel và chấn thương gan là không thể đánh giá được. Các kết luận về sản phẩm sẽ sớm được đưa ra".
"Rối loạn chức năng gan là tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến toàn bộ nhóm thuốc tránh thai nội tiết tố và oestrogen. Để nắm được thông tin đầy đủ, tốt nhất là người dùng nên trao đổi với bác sĩ để biết các rủi ro và tác dụng của thuốc tránh thai đường uống trước khi dùng", ông nói thêm.
Lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai
Ngày nay trên thị trường có nhiều loại sản phẩm viên thuốc tránh thai kết hợp. Khi dùng một loại thuốc tránh thai nào có nhiều tác dụng phụ có thể chuyển sang loại viên khác có thành phần hormone khác và khi đó có thể không bị tác dụng phụ đó nữa. Những phản ứng khó chịu đó chỉ là những phản ứng của cơ thể khi tự điều chỉnh cho phù hợp với các hormone trong viên thuốc.
Tuy nhiên nếu người dùng bị các bệnh về tim mạch, gan, u bướu... cần được bác sĩ tư vấn kỹ, cần hết sức cẩn trọng phần chống chỉ định của thuốc.
Viên thuốc tránh thai hàng ngày có hai loại: Loại chỉ chứa progestin dành cho phụ nữ đang nuôi con bú và loại chứa 2 hormone estrogen và progesterone hay còn gọi là viên tránh thai kết hợp. Thuốc được đóng dạng vỉ 21 viên hoặc 28 viên. Các thế hệ thuốc tránh thai mới được cải tiến rất nhiều, ít tác dụng phụ so với các thế hệ cũ.
Đối với các cặp vợ chồng chưa có con mà muốn kế hoạch dài hạn thì dùng viên thuốc tránh thai hàng ngày cũng là một lựa chọn hợp lý trong rất nhiều các biện pháp tránh thai. Khi ngừng thuốc thì chỉ cần 1-2 tháng là vòng kinh có thể trở lại như bình thường vốn có của cơ thể.
Hiệu quả tránh thai của viên thuốc tránh thai hàng ngày gần đạt 100% (98-99% tùy sản phẩm) nếu dùng đúng theo hướng dẫn.
Theo T.L (Helino)