Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước ta, đặc biệt là tại TP.HCM, số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng mạnh. Trước tình hình đó, mạng xã hội cũng xuất hiện hàng loạt những tin đồn thất thiệt về cách điều trị Covid-19, cách tiêu diệt virus corona không có căn cứ khoa học khiến giới chuyên gia phải đau đầu giải thích.
Dưới đây là những tin đồn truyền miệng, không có căn cứ khoa học về cách diệt nCoV cũng như cách điều trị bệnh Covid-19 mà giới chuyên gia cảnh báo cần chấm dứt ngay:
1. Ăn trứng gà luộc, trứng gà sống mỗi ngày
Trước đây, một bộ phận người dân trên địa bàn huyện Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi) lan truyền thông tin về việc ăn trứng gà để chữa cũng như phòng chống nguy cơ mắc bệnh Covid-19, đặc biệt là trứng gà húp sống. Được biết, đó là lời khẳng định của một em bé mới sinh đã biết nói và mọi người ngày hôm nay (30/3/2020) không được ra khỏi nhà và phải uống trứng gà để chống dịch bệnh.
Thông tin trên được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Hàng trăm người tin đó là sự thật nên đi mua trứng gà về ăn dẫn đến tình trạng một số tạp hóa, tiệm bán trứng đã hết sạch trứng trong vài giờ. Tuy nhiên, sau đó thông tin này được giới chuyên gia khẳng định chỉ là tin đồn thất thiệt, mê tín dị đoan, không đúng sự thật, gây hoang mang cho người dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), trứng gà cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể nhưng khẳng định có thể chữa trị cũng như phòng chống Covid-19 hoàn toàn không có căn cứ khoa học.
Chưa kể, việc ăn trứng sống còn có rất nhiều nguy hại sức khỏe đi kèm. Bên cạnh những nguy cơ khó tiêu, đầy bụng thì trứng sống hoặc trứng chưa được nấu chín hoàn toàn có thể chứa salmonella có khả năng gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như co thắt dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, sốt và đau đầu. Những triệu chứng thường xuất hiện khoảng 6-48 giờ sau khi ăn và có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
2. Bổ sung vitamin C tùy tiện
Cứ mỗi lần dịch Covid-19 bùng lên ở nước ta, nhiều tài khoản bán hàng online lại nhân cơ hội giảng giải tác dụng của vitamin C như là "có tác dụng tăng cường miễn dịch, phòng chống Covid-19 vô cùng hiệu quả". Đánh vào tâm lý của khách hàng, tin đồn này giúp không ít người buôn bán thực phẩm chức năng thu được món hời. Tuy nhiên, việc tự ý dùng vitamin C, cứ tưởng càng dùng nhiều càng tốt đã kéo theo những hệ lụy vô cùng đáng tiếc.
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), việc dùng vitamin C đã được chứng minh giúp tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng cho cơ thể. Dù là thuốc bổ nhưng việc bổ sung vitamin C vẫn cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Uống quá liều vitamin C gây nguy cơ tạo sỏi thận khá cao. Thậm chí, khi cơ thể thừa vitamin C, có thể gây ra hội chứng chảy máu, rối loạn tiêu hóa.
"Không ai kê vitamin C kéo dài cho bất cứ trường hợp nào. Ở khu cách ly, bác sĩ cũng không có kê toa vitamin C. Vấn đề là mọi người cần ăn uống đủ chất, lâu lâu bổ sung một đợt là được", chuyên gia khẳng định.
3. Ngồi phơi nắng
Nhiều người cho đến giờ vẫn tin rằng việc ngồi phơi nắng hàng tiếng đồng hồ có thể tiêu diệt virus corona. Ngay cả vào những ngày đầu khi nCoV mới xuất hiện, tin đồn này đã hoàn toàn thiếu căn cứ. Cho đến hiện nay, trải qua biến chủng bao nhiêu lần, virus corona liên tục thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới ở nước ta càng không thể khiến bớt đi nguy cơ lây nhiễm. Do đó cần phải xóa bỏ niềm tin mù mờ này càng sớm càng tốt.
BS Nguyễn Tấn Thủ (Phòng khám Nhà Mình, TP.HCM) khẳng định, ngồi phơi nắng không có ích lợi gì với bệnh nhân Covid-19. Bởi lẽ, virus sống ở bên trong cơ thể chứ không phải ở trên bề mặt da. "Bạn có phơi đến chết khô thân xác thì con virus vẫn còn sống nhăn", chuyên gia khẳng định.
4. Mỗi ngày uống 1,5 lít nước
Nhiều người tin rằng uống mỗi ngày 1,5 lít nước sẽ giúp đào thải virus ra khỏi cơ thể. Đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm. BS Thủ khẳng định, uống 1,5 lít nước mỗi ngày có khi cơ thể còn thiếu nước, cơ thể thiếu nước thì mọi hoạt động trong cơ thể đều không đảm bảo huống hồ là có thể diệt được, hay đào thải được virus corona? Đây là tin đồn quá sai lầm. Với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay trên cả nước, trung bình mỗi ngày bạn có thể cần uống đến 2-3 lít nước cũng không sao cả, nên tùy vào nhu cầu của bản thân mà điều chỉnh cho hợp lý.
5. Ăn thực phẩm có tính kiềm cao hơn mức axit của virus
Mới đây trên mạng xuất hiện tin đồn độ pH của virus SARS-CoV-2 thay đổi từ 5,5 đến 8,5. Do đó, tất cả những gì chúng ta phải làm để loại bỏ virus là tiêu thụ nhiều thực phẩm có tính kiềm cao hơn mức axit của virus, chẳng hạn như chuối, chanh xanh (9,9pH), chanh vàng (8,2pH), bơ (15,6pH), tỏi (13,2pH), xoài (8,7pH), quýt (8,5pH), dứa (12,7pH), cải xoong (22,7pH), cam (9,2pH)...
Trước thông tin này, BS Nguyễn Tấn Thủ khẳng định, đồ ăn có pH bao nhiêu đi chăng nữa thì khi vào dạ dày cũng phân hủy thành phân tử nhỏ để hấp thu qua thành ruột vào máu, lúc đó đâu có pH gì nữa. Con người chúng ta có hệ đệm nhằm đảm bảo các chỉ số sinh học luôn ổn định, chứ không phải ăn đồ pH gì là mình thành pH đó.
6. Mua trữ Tylenol Mỹ
Nhiều người hiện nay cho rằng dùng Tylenol Mỹ giúp diệt virus cúm rất hiệu quả. Để khẳng định điều này, người bán hàng không ngần ngại quảng cáo có một anh Việt kiểu ở Mỹ bị nhiễm COVID-19 đợt năm 2020, anh ấy được bác sĩ Mỹ cho dùng Tylenol và đã xét nghiệm hết trong vài tuần sau đó.
BS Thủ cho biết, Tylenol là thuốc hạ sốt. "Acetaminophen được ghi trên nhãn chính là Paracetamol chứ không phải thuốc gì mới. Chưa kể trường hợp ví dụ hết Covid-19 "vài tuần sau đó" là do nó tự hết chứ không có chuyện liên quan đến Tylenol".
7. Tăng cường uống rượu bia diệt Covid-19
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) khẳng định, đây là tin hoang đường, không có căn cứ. "Virus gây bệnh Covid-19 xâm nhập vào hệ thống hô hấp, làm suy yếu hệ thống. Trong khi uống rượu thì nồng độ cồn đi thẳng vào dạ dày, đến các cơ quan, không có tác dụng tiêu diệt virus, vi khuẩn như nhiều người nghĩ. Uống rượu nhiều còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác ngay trong mùa dịch Covid-19", chuyên gia khẳng định.
Khi TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố thì tin đồn thất thiệt này lại nổi lên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã rất nhiều lần nhắc nhở, việc uống rượu không đem lại bất cứ lợi ích nào để phòng tránh lây nhiễm cũng như chữa bệnh Covid-19, nếu uống phải các sản phẩm rượu khác với rượu ethyl (ethanol) thì cực kỳ nguy hiểm.
WHO nhận định "rượu có tác động, cả ngắn hạn và dài hạn, trên hầu hết mọi cơ quan của cơ thể bạn" và bằng chứng cho thấy "không có giới hạn an toàn" khi uống rượu, thêm vào đó là "sử dụng rượu, đặc biệt là sử dụng nhiều sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và do đó làm giảm khả năng đối phó với các bệnh truyền nhiễm".
"Đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Bạn nên hạn chế tối đa việc uống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe", WHO thông báo rõ. Tổ chức này cũng khuyến cáo những người không uống được rượu, bia không nên tập uống để ngăn ngừa Covid-19 vì biện pháp này không có tác dụng.
Theo HH (Pháp Luật & Bạn Đọc)