Thịt vịt ngon bổ, chẳng lo những nỗi lo "thịt đỏ" lại còn dùng để bồi bổ, chữa bệnh trong Đông y
Có lẽ, trong tình hình thực tế hiện nay, ăn thịt lợn trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều người bởi quá là xót ví. Giá thịt lợn cứ leo thang hàng ngày, không hề có dấu hiệu suy giảm, trong khi lâu nay đây là loại thịt phổ biến nhất trên mâm cơm các gia đình Việt.
Trước tình hình đó, sao bạn không thử thay thế thịt lợn bằng những loại thịt gia cầm có giá rẻ hơn lại ngon bổ chẳng kém gì. Một ứng cử viên sáng giá cho nhu cầu ăn thịt trong tình hình hiện nay chính là thịt vịt. Chẳng còn nỗi lo cháy ví, cũng không còn sợ hãi với nguy cơ ăn quá nhiều thịt đỏ, dùng thịt vịt để làm thực phẩm trong tình hình hiện nay vô cùng hợp lý.
Nhưng thịt vịt không chỉ là món ăn đơn thuần. Đối với nhiều chứng bệnh phát sinh vào mùa đông như hiện nay, hoặc nếu bạn chẳng may mắc bệnh sốt xuất huyết khi cơn dịch vẫn âm ỉ chưa có dấu hiệu giảm thì ăn thịt vịt thực sự vô cùng hữu ích.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y, thịt vịt vị ngọt, mặn, tính bình, đi vào tỳ, vị, phế, thận, có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Thịt vịt được sử dụng cho các trường hợp suy nhược gầy sút, ăn kém, chán ăn, kiết lỵ, táo bón, phù nề, đới hạ, khí hư, đái tháo đường, sản phụ thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng, lòng bàn tay bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, da tóc khô, miệng họng khô, khát nước.
"Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư, ngay cả trong quá trình hóa trị, xạ trị", lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm. Vị lương y này đặc biệt nhấn mạnh, ăn thịt vịt rất hữu ích cho người suy nhược thể chất, mắc chứng chán ăn, bị sốt, phù nề cơ thể, người có thể chất yếu nhất là sau khi khỏi bệnh, bị đổ mồ hôi ban đêm, phụ nữ ít kinh nguyệt, sản phụ thiếu sữa…
Chưa hết, trong những tài liệu y thư cổ cũng nhận định, thịt vịt là loại thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hòa ngũ tạng, lợi thủy, trừ nhiệt, bổ hư. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong 100g thịt vịt có khoảng 25g chất protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, lợn, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, phốtpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), acide nicotic… rất cao.
BS Dzoãn Thị Tường Vy (Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cũng nhận định, thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe.
Những bài thuốc chữa bệnh từ thịt vịt dễ làm, phát huy công dụng hiệu quả
Theo lương y Vũ Quốc Trung, chúng ta hoàn toàn có thể chế biến thịt vịt thành những bài thuốc chữa bệnh sau:
- Người bị thiếu máu, suy nhược cơ thể: Một con vịt, đại táo, liên nhục, bạch quả, cả 3 vị thuốc đều lấy 49 quả, nhân sâm 3g. Vịt làm sạch, đại táo tách bỏ hạt, liên nhục ngâm bóc bỏ vỏ và tâm sen, bạch quả bỏ vỏ và ruột, nhân sâm thái lát nhỏ vụn. Dùng rượu, tương và dầu quét đều ngoài da và trong bụng vịt, sau đó cho cả 4 vị thuốc vào bụng vịt, khâu lại, hầm chín rồi ăn.
- Đau đầu, chóng mặt buôn nôn, nôn ói, phù nề, tiểu ít: Một con vịt, 200g đậu đỏ, thảo quả 10g, hành sống. Vịt làm sạch, đậu đỏ xay ngâm mềm đãi sạch cùng thảo quả xay nhuyễn, trộn đều rồi cho vào bụng vịt, khâu lại, cho nước đun ninh nhừ, thêm hành, không cho muối rồi ăn sẽ phát huy công dụng chữa bệnh rất tốt.
- Phù nề, dùng cho các trường hợp phù ứ nước trong người: Vịt đực 1 con, gạo tẻ 100g. Vịt làm sạch, nấu cho chín nhừ, tiếp tục cho gạo tẻ nấu tiếp cho thành cháo, cho thêm 3 củ hành đã đập giập. Ăn nóng khi đói.
- Tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt, tâm phiền, bị mất ngủ, hay quên: Thịt vịt 100g nấu 30 phút, bổ sung đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g vào nấu thêm 15 phút rồi ăn.
- Hen suyễn, thiếu máu: Thịt vịt nạc 300g, băm nhỏ ướp gia vị, gạo tẻ 100g, nước mía 300ml, ninh nhừ. Cháo chín cho thịt vịt đảo đều, đun tiếp cho chín vịt. Ăn ngày 3 lần, duy trì liền một tuần.
Lưu ý: Mặc dù thịt vịt rất tốt nhưng chuyên gia đặc biệt lưu ý, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, lãnh cảm, đàn ông bị liệt dương không nên ăn nhiều. Người bị gút không nên ăn vì hàm lượng purin cao có thể làm tăng axir uric trong cơ thể. Người mắc chứng huyết áp thấp cũng không nên ăn vì thịt vịt tính hàn cao sẽ làm tụt huyết áp…
Theo Tiểu Nguyễn (Báo Dân Sinh)