Di chứng nặng nề hơn khi tự ý điều trị
Theo BS Nguyễn Ngọc Cảnh (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), có những trường hợp vào viện ngoài méo mồm còn bị liệt nửa người. Với trẻ nhỏ bị liệt dây thần kinh số 7 trung ương thường điều trị khó khăn hơn với những trường hợp liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Điều đáng nói là nhiều trường hợp có những biểu hiện ban đầu của liệt dây thần kinh số 7 không vào bệnh viện điều trị luôn mà tự ý chữa bằng các biện pháp dân gian như chữa theo thầy lang, dán cao, dán đuôi lươn lên mặt…
Mới đây, bé N.T.T (ở Hà Nội) bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh. Ban đầu, bệnh nhân chỉ bị da nhăn nheo, cười méo xệch về một bên sau khi đi chơi về. Gia đình đưa bệnh nhân đến thầy lang chữa bằng cách dán cao mà không đến bệnh viện điều trị. Sau khoảng 1 tuần, liệt mặt không đỡ mà da mặt của bệnh nhân lại bị phồng rộp lên. Khi vào điều trị ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bác sĩ chỉ can thiệp khỏi liệt dây thần kinh số 7, còn da mặt bị loét do dán cao chỉ hạn chế được phần nào chứ không thể cải thiện hoàn toàn. Trên mặt bệnh nhân vẫn có vết sẹo.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm - nguyên bác sĩ Bệnh viện 103 cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới liệt dây thần kinh số 7 như đột quỵ, chấn thương, do lạnh… Vào thời điểm mùa đông, gió lạnh thất thường, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, ho… và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Tổn thương dây thần kinh số 7 có thể gặp liệt nửa mặt trung ương và liệt nửa mặt ngoại vi. Liệt mặt trung ương, người bệnh thường đi kèm liệt nửa người. Với liệt nửa mặt ngoại vi, nhìn bình thường thấy hai bên mặt không cân đối, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nhân trung bị kéo lệch về bên lành. Nửa mặt bên bệnh bất động và nhẽo (giảm trương lực cơ), mất nếp nhăn trán và nếp nhăn khóe mắt, lông mày hơi sụp xuống, má hơi xệ, rãnh mũi - má mờ, góc mép miệng bị xệ xuống, tai hình như thấp xuống.
Trong giai đoạn muộn có nhiều trường hợp mặt bệnh nhân khi không cử động nhìn thấy mặt vẫn cân đối, chỉ khi cử động mới thấy mất cân đối do cơ bên liệt bị co cứng. Khi bệnh nhân cử động, mặt và mắt mất cân đối rõ rệt hơn. Người bệnh mắt nhắm không kín, hạn chế cử động các cơ vùng mặt bên dây thần kinh bị liệt, làm cho gương mặt biến dạng…
"Liệt dây thần kinh số 7 lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng, có thể hồi phục một phần đến hoàn toàn nếu như được điều trị sớm. Ở trường hợp nhẹ có thể hồi phục trong vòng 3 - 6 tuần hoặc nhanh hơn. Tuy nhiên, mọi người vẫn phải thận trọng tránh những biến chứng. Việc điều trị bằng các phương pháp truyền miệng chỉ làm mất thêm thời gian vàng để điều trị hiệu quả, tránh những di chứng về thẩm mỹ khi không cải thiện được tình trạng méo mặt, biến chứng loét giác mạc…", PGS.TS Hà Hoàng Kiệm khuyến cáo.
Tránh lạnh đột ngột là điều quan trọng nhất
Lương y Bùi Hồng Minh - Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết, liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 là do cảm lạnh phong hàn gây nên. Y học cổ truyền gọi là chứng "khẩu nhãn oa tà" nghĩa là miệng, mắt méo lệch. Trong những ngày trời lạnh nhiệt độ giảm sâu, tình trạng bệnh này càng dễ gặp phải, đặc biệt là ở những người sức đề kháng suy giảm, trẻ nhỏ.
Trẻ bị trúng phong do nhiễm lạnh, hơi méo mồm có thể cho trẻ xông lá như dùng lá xương sông, lá bạch đàn, lá bưởi… Sau khi đun nước, đặt trẻ nằm nghiêng và xông trong 15 phút. Các phương pháp chữa liệt dây thần kinh số 7 bằng Y học cổ truyền đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Bệnh cải thiện nhanh chóng khi kết hợp Đông Tây y. Với việc dùng thuốc kết hợp châm cứu, ôn châm, điện châm, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại… sẽ cho kết quả rất khả quan. Nếu điều trị kịp thời đúng phương pháp, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng khoảng 3 tuần.
Các chuyên gia khuyến cáo, mùa lạnh, nhiều cha mẹ vì không cẩn thận phòng tránh cho con trong những đợt gió lạnh về mà đã khiến con méo miệng, liệt mặt vì căn bệnh này. Nếu không muốn con gặp họa, cha mẹ nên chú ý:
Để trẻ bị lạnh: Trong những buổi sáng sớm, nhiều bậc phụ huynh khi đưa trẻ đi học dù trời lạnh nhưng có thói quen cho trẻ ngồi, đứng trước xe. Việc không mặc đủ ấm, trẻ đứng phía trước vô tình gió lạnh đột ngột tạt vào mặt rất dễ gây liệt mặt.
Trẻ khi ngủ dậy cũng không để bật dậy ngay. Trẻ đang ở trong chăn ấm khi ra khỏi chăn hoặc đang ở trong nhà ấm mà phải ra ngoài môi trường lạnh phải khoác thêm áo ấm để trẻ tránh bị lạnh đột ngột. Mặt khác, khi cho trẻ đi ra ngoài, cha mẹ cần đeo khẩu trang và giữ ấm các bộ phận tai, đầu, cổ, chân… Đặc biệt là không để cho trẻ tắm quá muộn.
Ăn uống lạnh: Không được cho bé uống và ăn đồ lạnh và mọi sinh hoạt như rửa mặt, tắm táp đều phải dùng bằng nước ấm, tắm trong phòng kín và tắm nhanh.
Nâng cao sức đề kháng cho trẻ: Cha mẹ chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp… cho trẻ để có sức đề kháng. Trẻ em sức đề kháng kém, cộng thêm việc không giữ ấm đúng cách khi đi học sớm, tắm khuya… càng dễ nhiễm lạnh, nguy cơ cao liệt dây thần kinh 7. Cùng với đó, chú ý điều trị sớm triệt để các nhiễm khuẩn tai, mũi, họng... cho trẻ để dự phòng.
Khi thấy trẻ có triệu chứng bị liệt mặt, méo miệng cần phải sớm đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đừng để trẻ bị di chứng nặng nề về sau vì chữa theo các mẹo truyền khẩu.
Theo Hà My – Hà Dương (Giadinh.net.vn)