Cô gái trong câu chuyện trên là Tiểu Hân, quê gốc ở Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô chuyển đến Thâm Quyến (Trung Quốc) sinh sống và làm việc. Cô chia sẻ, từ công việc, cuộc sống thường nhật cho đến chuyện tình cảm của mình tại thành phố này đều rất suôn sẻ nên luôn cảm thấy rất hạnh phúc.
Cho đến gần đây, Tiểu Hân bắt đầu gặp vấn đề nhỏ với sức khỏe của mình. Không hiểu vì lý do gì, cô đột nhiên trở nên rất dễ cáu giận, trong người lúc nào cũng bức bối, khó chịu. Đặc biệt, khoang miệng luôn cảm thấy khô và nóng, thường xuyên bị nhiệt miệng, sưng lưỡi và có mùi hôi miệng dù đánh răng rất kỹ.
Lúc đầu, cô cho rằng mình chỉ bị viêm loét miệng thông thường nên không để tâm lắm. Nhưng gần 3 tháng trôi qua, những vết loét miệng chưa kịp khỏi chỗ này đã mọc thêm chỗ khác. Nghĩ mình bị nóng trong người, Tiểu Hân dùng cả kháng sinh, thuốc bôi, giải độc gan mà không đỡ. Cuối cùng, nghe lời đồng nghiệp lớn tuổi trong công ty khuyên cô mới chịu tới bệnh viện thăm khám.
Thật không ngờ, kết quả sinh thiết chỉ ra Tiểu Hân mắc ung thư miệng. Cô sốc nặng đến mức nấc nghẹn, hai hàng nước mắt cứ thế trào ra. Vừa khóc vừa liên tục hỏi rằng mình không hút thuốc lá, rất hiếm khi động đến rượu bia, bình thường cũng chẳng mấy khi uống nước ngọt có ga thì làm sao mắc bệnh được.
'Thủ phạm' là 2 thói quen ăn uống nhiều người mắc phải
Tiểu Hân còn chưa đầy 25 tuổi nhưng vì chủ quan mà căn bệnh ung thư miệng của cô đã tiến triển tới đầu giai đoạn 3. Bác sĩ điều trị của Tiêu Hân cho biết, bệnh của cô đến từ 2 thói quen ăn uống nhiều người mắc phải với đồ uống, thức ăn nóng.
Tiểu Hân vốn sinh ra và lớn lên ở Sán Vĩ, Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là địa phương nổi tiếng với sản xuất trà, nghệ thuật trà đạo và thói quen dùng trà rất nóng. Dù xa quê đã lâu nhưng cô vẫn duy trì thói quen uống trà ít nhất 2 lần vào sáng sớm và buổi tối.
Đồng thời, Tiểu Hân cũng luôn thích ăn thức ăn, uống canh khi còn nóng vì cho rằng như vậy giữ được hương vị và chất dinh dưỡng tối đa. Lâu dần, cô không còn cảm nhận được nhiệt độ trong miệng 1 cách chính xác nữa. Ngay cả trà nóng trên tới tận 70, 80 độ C hay đồ ăn vừa gắp ra khỏi nồi, còn bốc khói nghi ngút mà bỏ vào miệng cô cũng không cảm thấy bỏng rát như người bình thường.
Bác sĩ giải thích, thuốc lá và rượu bia là những yếu tố hàng đầu nhưng không phải nguyên nhân duy nhất gây bệnh ung thư miệng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như di truyền, nhiễm virus HPV, bạch sản, hồng sản, hội chứng Plummer-Vinson, thiếu hụt 1 số loại vitamin, ăn uống sai cách như đồ ăn quá nóng, bị mốc hoặc nhiều dầu mỡ…
Thường xuyên ăn uống thực phẩm ở nhiệt độ trên 60 độ C sẽ khiến cho niêm mạc miệng và thực quản bị tổn thương, tạo thành các vết loét. Nếu lặp đi lặp lại, không điều trị kịp thời thì khó tránh khỏi ung thư miệng, ung thư thực quản.
Triệu chứng phổ biến của ung thư miệng bao gồm viêm loét miệng, lưỡi mãn tính hoặc lâu khỏi. Hôi miệng bất thường, xuất hiện các cục u, áp xe hay cảm giác khô rát, tê, mất cảm giác, đau đớn trong khoang miệng hoặc vùng mặt. Khó cử động miệng, khó nhai hoặc nuốt hay khàn giọng, đau họng mãn tính… Một số người còn bị đau nhức tai, ù tai, chóng mặt, giảm thính lực.
May mắn là với trường hợp của Tiểu Hân, khối u phát triển lớn hơn 4cm nhưng chưa lan tới hạch bạch huyết và chưa có dấu hiệu di căn. Vì vậy có thể điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ kết hợp với xạ trị.
Những dấu hiệu cảnh báo K rất dễ nhầm với bệnh nóng trong
Vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu vàng sậm
Vàng da xảy ra khi đường bài tiết mật trong cơ thể bị tắc nghẽn, khiến cho cơ thể không thể loại bỏ chất có màu vàng là bilirubin. Khi có khối u, gan sẽ ứ mật và chuyển ngược bilirubin vào máu và lắng đọng ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt và nước tiểu có màu vàng bất thường.
Vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu vàng sậm có thể là dấu hiệu của các bệnh nhẹ như sỏi kẹt ống mật, viêm ống mật, viêm gan,… nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các căn bệnh ung thư ác tính như ung thư ống mật, ung thư đầu tụy, ung thư tá tràng và ung thư gan. Vì vậy, khi triệu chứng vàng da, vàng mắt kéo dài, người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Nhiệt miệng lâu ngày không khỏi
Nhiệt miệng, loét miệng thường liên quan đến căng thẳng tinh thần, chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin và các nguyên tố vi lượng, vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn và các lý do khác.
Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Tùng, Phó trưởng Khoa Ngoại phẫu thuật răng hàm mặt của bệnh viện Tôn Trung Sơn, Trung Quốc, cho biết nếu vết loét miệng không khỏi trong 14 ngày hoặc thậm chí kéo dài đến vài tháng thì mọi người cần cảnh giác vì rất có thể bạn bị mắc ung thư miệng.
Các vết loét do ung thư thường nằm trong khoang miệng như ở mép lưỡi, má trong hoặc lợi… Các vết loét có thể có kích cỡ và vị trí khác nhau gây khó khăn và đau đớn trong quá trình ăn uống và sinh hoạt, thậm chí có thể gây khàn giọng, đau họng.
Chảy máu cam
Ung thư biểu mô vòm họng là một khối u ác tính xuất hiện trong khoang mũi họng. Do bệnh thường không có triệu chứng cụ thể nên dễ bị mọi người bỏ qua.
Sau khi mắc bệnh ung thư vòm họng, một trong những triệu chứng điển hình là chảy máu mũi. Lý do là khối u phát triển đến một kích thước nhất định, cọ xát vào vòm miệng mềm, gây ra tình trạng chảy máu cam.
Khi mắc ung thư biểu mô vòm họng, ngoài chảy máu cam, người bệnh sẽ xuất hiện kèm theo một số triệu chứng như ù một bên tai, nghẹt mũi, đau đầu và cảm thấy đầy ứ ở trong họng và vùng xoang.
Ung thư biểu mô vòm họng có thể gây nên những dấu hiệu và triệu chứng giống với nhiều bệnh khác nên người bệnh thường chủ quan, khi đi khám thì đã ở giai đoạn muộn nên rất khó điều trị.
Khàn giọng
Bác sĩ Lý Hồng thuộc Khoa Tai Mũi Họng - Phẫu thuật vùng đầu và cổ, Bệnh viện Tân Kiều, Đại học Quân y, Trung Quốc, chỉ ra rằng khàn giọng là triệu chứng ban đầu của ung thư vòm họng hoặc ung thư thanh quản, nhưng cần phân biệt với khàn tiếng do cảm lạnh và viêm họng.
Khàn tiếng do các bệnh lành tính như cảm lạnh, viêm họng sẽ nhanh chóng phục hồi khi bệnh khỏi. Nếu người bệnh mắc ung thư thanh quản hay ung thư vòm họng thì các khối u bắt đầu chèn vào hạch bạch huyết gây đau rát họng khi nuốt nước bọt. Sau vài ngày, cổ họng bắt đầu đau rát nặng hơn, dẫn tới tình trạng khàn giọng, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng đến giọng nói dẫn đến mất giọng.
Thông thường khi mắc ung thư vòm họng hoặc ung thư thanh quản, người bệnh sẽ xuất hiện kèm theo các triệu chứng như ho, đau đầu, ù tai, nổi hạch, sút cân. Nếu điều trị trong vòng 2 tuần mà bệnh tình không thuyên giảm thì người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để tầm soát các bệnh ung thư và có hướng điều trị kịp thời.
PN (Nguoiduatin.vn)